NHẠC VÕ

Chủ nhật - 20/01/2013 11:03
Nhạc võ Tây Sơn nét văn hóa độc đáo
i
Ngoài tài thuần phục ngựa, voi chiến trường
Nàng còn giỏi cả bộ môn
“Đả thập nhị cổ” tiếng đồn xa hơn...
Nhạc võ Tây Sơn
Nhạc võ Tây Sơn

Trong các môn võ cổ truyền chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhà Tây Sơn còn có một bộ môn riêng rất độc đáo là nhạc võ. Nhạc võ là phương pháp dùng âm thanh để nâng cao khí thế luyện tập võ nghệ cũng như tăng cường ý chí chiến đấu của binh sĩ khi lâm trận. Người ta sử dụng một bộ trống gồm 12 cái, đặt ở những vị trí khác nhau để đánh theo nội dung bài võ như sau:

Mười hai trống xếp hàng hai 
Đôi tay gõ nhịp đường dài hành quân 
Mười hai trống xếp ba hàng 
Đôi tay gõ nhịp tiến quân công đồn...

 

Khi biểu diễn nhạc võ, người biểu diễn phải dùng tất cả các bộ phận tay chân từ cổ tay, nắm tay cho đến cùi chỏ, chân... để đánh 12 chiếc trống đúng theo nhịp của bài võ. Theo truyền thuyết, 12 chiếc trống trận ứng với 12 con giáp, hoặc 12 tháng trong một năm. Do vậy, trống có độ lớn nhỏ khác nhau. Bốn chiếc trống lớn có đường kính mặt trống khoảng 40cm. Bốn chiếc trống cỡ vừa có đường kính 30cm. Và bốn chiếc trống nhỏ có đường kính mặt trống 20cm.

 

Biểu diễn nhạc võ Tây Sơn

 

Nhờ kỹ thuật bịt da điêu luyện nên độ căng của trống khác nhau. Do vậy, tiếng trống khi vang lên có âm thanh to nhỏ, trầm bổng khác nhau. Hòa lẫn với âm thanh của các nhạc khí phụ trợ như đàn nhị, kèn, chủm chọc (não bạt hay xụp xỏa), tạo thành những âm điệu đặc thù cho từng bài võ. Khi thì hùng dũng, chỉnh tề; lúc thì khoan thai, êm đềm, vui tươi. Khi hành quân thì tiếng trống giục giã; khi công thành thì khẩn trương, gấp gáp; hoặc khi chiến thắng thì phấn chấn, náo nức, reo hò, cổ vũ...

Đặc biệt, nhạc võ Tây Sơn sử dụng trong hành quân thường có thêm chiếc trống đại (trống cái) và chiêng lớn. Khi đánh hòa âm với nhạc của 12 chiếc trống tạo nên một bầu không khí hào hùng, nâng cao tinh thần và thúc giục binh sĩ xông trận.

Theo các nhà nghiên cứu võ học ở Bình Định, những bậc cao thủ giỏi về nhạc võ có thể sử dụng thêm năm chiếc trống khác nữa. Một cái đặt gần đầu để dùng đầu đánh. Hai chiếc trống đặt hai bên hông để đánh bằng hai cùi chỏ. Hai trống còn lại đặt ở phía sau để đánh bằng hai gót chân. Khi một “cao thủ” đánh nhuần nhuyễn cùng lúc 17 cái trống thì có thể gọi họ là bậc võ công thượng thừa về nhạc võ của Tây Sơn.

Tương truyền, khi ra trận, người sử dụng nhạc võ Tây Sơn đã dùng chiếc dùi trống có chiều dài khoảng 30cm. Những chiếc trống trận được đặt lên xe đẩy. Dùi trống vừa dùng để đánh trống trận vừa làm vũ khí để tấn công quân địch khi cần. Người sử dụng nhạc võ Tây Sơn khi triển khai một chiêu thức là có thể đánh được cùng lúc bốn cái trống. Người đánh trống không bao giờ ngồi mà chỉ đứng, hai tay vừa múa võ vừa đánh trống, có lúc nhanh giống như cả 12 chiếc trống trận cùng được đánh một lúc. Trong hàng ngũ tướng sĩ Tây Sơn thời ấy được sử sách lưu truyền về tài nghệ đánh nhạc võ có một vị nữ tướng dưới trướng Bùi Thị Xuân:

Thị Dần quả thực đa tài
Ngoài tài thuần phục ngựa, voi chiến trường
Nàng còn giỏi cả bộ môn
“Đả thập nhị cổ” tiếng đồn xa hơn...

 

Ngoài Thị Dần còn có một nữ tướng khác tên là Châu Thị Đăng, là phu nhân của Trần Văn Kỷ - một danh sĩ dưới thời Tây Sơn Tam kiệt. Bà nổi tiếng vì có biệt tài dùng sóng kiếm để chém xả vào các mặt trống bằng đồng, tạo nên từng tràng, từng chuỗi âm thanh rờn rợn, liên hoàn, lúc khoan, lúc nhặt làm cho kẻ thù kinh hồn khiếp vía. 
Đánh nhạc võ 12 trống, 16 trống đã là rất khó, đánh nhạc võ 45 trống thì gần như chỉ còn trong huyền thoại. Theo ghi chép của người xưa, dàn trống 45 chiếc bao gồm 5 trống chầu, 24 trống chiến và 16 trống lỡ. Phương pháp đánh theo trận pháp bát quái, ngũ hành sử dụng bộ pháp tứ hành thủ âm, sử dụng cả hai bàn tay sấp ngửa, nắm đấm, cổ tay, cùi chỏ... để đánh, đòi hỏi người đánh phải có sức khỏe, võ thuật cao cường, sự khéo léo nhanh nhẹn, chính xác cả về thủ pháp và bộ pháp. Tóm lại, đánh được 45 trống cùng lúc theo bài bản đòi hỏi sự khổ luyện công phu. Vốn cổ độc đáo nhạc võ Tây Sơn 45 trống nay dường như chỉ còn trong sách sử và huyền thoại của miền đất võ Tây Sơn - Bình Định.

 

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận biểu diễn Nhạc võ Tây Sơn

 

Nhạc võ Tây Sơn có 72 bài múa võ đánh trống. Tuy nhiên, cho đến nay hầu như đã thất truyền gần hết, chỉ còn lại 4 bài được lưu truyền đến tận ngày nay ở Tây Sơn - Bình Định. Đó là các bài Xuất quân, Hành quân, Công thành và Khải hoàn được nghệ sĩ Nguyễn Thị Thuận biểu diễn khá thành công.

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay7,298
  • Tháng hiện tại242,669
  • Tổng lượt truy cập5,545,061
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây