Về Tây Sơn, đất võ nổi tiếng của anh em Quang Trung Nguyễn Huệ, bạn đang có trước mắt mình mấy món ăn nổi tiếng: chim mía, cá lúi sông Côn và dé bò. Dé bò thì nhiều nơi có. Cái độc đáo, cái khác của dé bò Tây Sơn là cách chế biến: dé bò nấu lá dang.
DÉ BÒ TÂY SƠN

Dé là ruột non nhưng món dé Tây Sơn bao hàm cả các thứ lòng chay, thêm huyết, lòng lá xách… Trong đó, lá dang là thứ không thể thiếu.

Cách làm khá đơn giản. Các thứ lòng chay cắt miếng vừa miếng, ướp gia vị: chút muối, tiêu, bột ngọt, hành. Vài tép sả đập dập thả vào nồi nước nấu. Nước sôi thả lá dang và phần dé đã ướp sôi bùng vài phút. Nêm cho vừa miệng. Là có món.

Bỏ giá sống vào tô rồi múc nước, dé. Rắc lên các thứ rau mùi xắt mỏng: ngổ, lá lốt, ngò tàu, rau răm, mấy lát ớt… Khi ăn phải có bánh tráng nướng.

Bạn múc ra chén, có nước có cái, bẻ bánh tráng vào là ăn. Vị ngọt mềm của mấy lát gan, tụy, thêm chút nhân nhẩn của dé, chút thơm các thứ rau mùi và giòn giòn rau giá, bánh tráng, nhất là tất cả cùng về hùa với lá dang chua chua, chất xin xít lưỡi của nước ruột dé làm nên một tổng phổ đủ cung bậc quyến rũ trên lưỡi.

 Người thích thêm vị đăng đắng thì yêu cầu bỏ vào tô mớ lát khổ qua. Đắng thêm nữa thêm đã có sẵn chén mật bò chủ quán để sẵn cứ gia vào theo khẩu vị của mình. Và dĩ nhiên, nước mắm gừng loang loãng. Bánh tráng cắn thêm cho rôm rả và trái ớt kim.

Đắng như có cái hậu ngọt, cay cay, thơm ngon vị bò và nhất là rất bổ dưỡng. Bạn chắc chắn sẽ yêu cầu kèm theo món ăn này xị rượu. Bốn người, tô dé, vài cái bánh tráng, vài xị rượu, tổng cộng hơn 30 ngàn là đủ cho 1 buổi chiều nào lai rai.

Ở Bình Định món dé bò Tây Sơn đã thành quen thuộc ngon miệng cả cho các bà xã chứ không riêng dân nhậu. Tại thị trấn Phú Phong nơi nào cũng có món đặc sản này.

Bạn về thăm Bảo tàng Quang Trung hay ngoạn thắng cảnh Hầm Hô, tháp Dương Long lúc nào cũng có thể dừng lại thưởng thức.

 

Về với Tây Sơn

Anh Về Tây Sơn buổi trưa
Chợ Phú Phong vắng người
Mấy túp lều ngái ngủ
Anh đứng bần thần góc phố chợ
Có phải đất này là nơi mẹ sinh em?

Phố huyện nghèo bên bờ sông Côn
Mẹ buôn bán tảo tần nuôi em khôn lớn
Mộc mạc lúa khoai mà nên nhan sắc
Con gái Tây Sơn đẹp nghiêng núi nghiêng đồi

Rượu Bầu Đá nồng, chim mía Phú Phong ơi
Bịn rịn hơi men níu chân người ở lại
Cái bữa chúng mình qua cầu thăm nhà nội
Bà nướng bánh đa vừng đến giờ vẫn giòn thơm

Rất lạ lùng
Rất quyến rũ
Tây Sơn
Quê hương người anh hùng áo vải
Nơi chén rượu nhấp môi nồng đến cháy
Nơi quanh năm chim mía gọi nhau về
Nơi anh có em và có bạn bè
Nơi nước sông Côn không bao giờ ngừng chảy
Như nhớ thương của anh đi về nơi đó mãi
Xin một phần đời ở lại với Tây Sơn.

(Thơ Thuận Hữu)

Tác giả bài viết: BBT