Chiều ngày 24/02/2023, Hội làng nghề nón lá Thuận Hạnh (xã Bình Thuận) tổ chức Đại hội Hội Làng nghề truyền thống nón lá Thuận Hạnh lần thứ III, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Hội Làng nghề gồm 9 thành viên.
Ban chấp hành Hội Làng nghề nón lá Thuận Hạnh ra mắt

Làng nghề nón lá Thuận Hạnh được Ủy ban nhân dân huyện cho phép thành lập Hội ngày 14/02/2012 và được UBND tỉnh Bình Định công nhận tiêu chí làng nghề.
Hội Làng nghề có tổng số 350 hội viên, hoạt động theo hình thức truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhằm mục đích hợp tác, liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên. Tuy thu nhập không cao nhưng các hộ hội viên tranh thủ được thời gian nông nhàn để sản xuất, tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình. Những năm qua, đặc biệt là từ khi UBND tỉnh công nhận lại làng nghề nón lá Thuận Hạnh (năm 2021), được quan tâm đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng để xây dựng nhà truyền thống làng nghề, được tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại; làng nghề có những chuyển biến tích rõ rệt, từng bước có định hướng hoạt động và được nhiều người biết đến nhãn hiệu nón lá Thuận Hạnh. Ngoài nón lá trắng, người dân ở làng nghề hiện còn làm được nón Bắc (kiểu dáng gần giống chiếc mũ cối), nón bài thơ, nón Quang Trung,… Nón lá Thuận Hạnh cũng đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm được tiêu thụ trong và ngoài huyện, chủ yếu ở miền Nam và Tây Nguyên.
Trừ những ngày đồng áng, mỗi hội viên thu nhập khoảng gần 11,5 triệu đồng/năm; tổng thu nhập của hội viên làng nghề hơn 3 tỷ đồng/năm.
Thời gian đến, Hội làng nghề sẽ tiếp tục đăng ký thương hiệu, cải tiến mẫu mã sản phẩm, liên kết với các điểm tham quan, du lịch trong huyện như Bảo tàng Quang Trung, Tháp Dương Long, Khu du lịch sinh thái Hầm Hô,... để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, giữ gìn nghề truyền thống, nâng cao thu nhập cho hội viên./.

Minh Ngọc