
Đến ngày 31/3/2025, tổng nguồn vốn hoạt động của đơn vị đạt 663.407 triệu đồng, tăng 243.300 triệu đồng, so với 31/12/2019. Trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 575.215 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 86,7% tổng nguồn vốn, tăng 188.734 triệu đồng so với 31/12/2019; nguồn vốn huy động được TW cấp bù đạt 76.593 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 11,5% tổng nguồn vốn, tăng 43.523 triệu đồng so 31/12/2019 bao gồm huy động thông qua tổ TK&VV 39.333 triệu đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương huyện ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện đạt 11.599 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 1,7% tổng nguồn vốn, tăng 11.043 triệu đồng so với 31/12/2019.
Những năm gần đây, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn không ngừng tăng trưởng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng, nguồn vốn huy động được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Đến ngày 31/3/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 662.407 triệu đồng, tăng 242.339 triệu đồng (+57,6%) so với 31/12/2019, với hơn 10.442 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, chiếm 27,3% tổng số hộ dân toàn huyện (tổng số hộ dân toàn tỉnh là 38.351 hộ). Kết cấu dư nợ các chương trình tín dụng theo mục đích sử dụng vốn như sau: Dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt 409.979 triệu đồng, chiếm 62%/tổng dư nợ; dư nợ tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 252.228 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 38%/tổng dư nợ; bình quân dư nợ trên xã đạt 44 triệu đồng; bình quân dư nợ trên tổ đạt 2,7 tỷ đồng, bình quân dư nợ trên hộ đạt 63,4 triệu đồng. Chất lượng tín dụng được quan tâm, củng cố: Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,04% tổng dư nợ.
Tổng doanh số cho vay từ năm 2020 đến nay đạt 979.803 triệu đồng với hơn 25.298 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.... Vốn tín dụng chính sách xã hội được thực hiện tại 15/15 xã, thị trấn, 76 thôn, làng, khối phố; đã thu hút, tạo việc làm cho gần 6.567 lao động (108 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tạo điều kiện cho gần 3.717 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 8.416 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 580 hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 68 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiệu quả nguồn vốn cũng góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện. Năm 2020, toàn huyện có 1.962 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,99%; 3.489 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,87%; kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện giảm còn 392 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,02%; 1.177 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,07%.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tạo nhiều việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, kinh tế nông nghiệp vùng nông thôn ngày càng đổi mới và phát triển kinh tế trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, giúp các xã xây dựng nông thôn mới, đạt một số tiêu chí như: Về tiêu chí việc làm; về tiêu chí giáo dục và đào tạo; về tiêu chí giảm nghèo; giúp các hộ gia đình có nước sạch sinh hoạt và có công trình vệ sinh tại vùng nông thôn. Đồng thời, thông qua hiệu quả tín dụng chính sách có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao) và huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Những quyết sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đã giúp hoạt động tín dụng xã hội - chính sách riêng có của Đảng, Nhà nước dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng hiệu quả, lan tỏa sâu rộng, xứng đáng với sứ mệnh là một chính sách an sinh xã hội đặc biệt, tiếp sức, trợ lực, góp “cần câu” cho người nghèo, các đối tượng chính sách trong hành trình vượt lên trên đói nghèo, để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau.
Với những thành tích và đóng góp của đơn vị trong những năm qua được các cấp xét và khen thưởng, trong đó: Tập thể: 01 Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh, 03 Giấy khen của Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc NHCSXH tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” (2020, 2021, 2022, 2023); cá nhân: 01 Bằng khen của Thống đốc NHNN, 01 Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh, 07 danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở, 17 giấy khen của Tổng Giám đốc.
Bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tây Sơn chia sẻ: Thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống kiểm tra, giám sát từ xa kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát trực tiếp của thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, kiểm tra theo nội dung ủy thác của Hội đoàn thể các cấp, của NHCSXH các cấp cũng như sự giám sát của cả hệ thống chính trị và của toàn thể nhân dân. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối lượng sản phẩm dịch vụ thanh toán, thu hộ, chi hộ phù hợp với hoạt động của NHCSXH và hệ thống mobile banking đảm bảo an toàn, hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Tập trung nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ NHCSXH và đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm thông qua đào tạo, tập huấn hàng năm. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cập nhật kịp thời các kiến thức về công nghệ thông tin. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội; những mô hình mới, cách làm hay, nhất là các mô hình sử dụng vốn vay hiệu quả trên từng lĩnh vực. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác gắn với tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tự vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo và đối tượng chính sách,…
Văn Phong