Để chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ rầy nâu và bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại lúa nhằm hạn chế thiệt hại, đảm bảo năng suất và hiệu quả sản xuất vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023. Yêu cầu các phòng, ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 233/UBND-KTN ngày 03/3/2023 của UBND huyện.
Phun thuốc phòng trừ khi phát hiện bệnh đạo ôn lá ở thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú. Ảnh Nguyệt Ánh

Hiện nay, lúa Đông Xuân năm 2022 - 2023 trên diện tích chân 2 vụ trà gieo sạ sớm đang ở giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh; đại trà giai đoạn làm đòng - trỗ và trà muộn giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái. Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, rầy nâu, rầy lưng trắng đang phát sinh cục bộ trên lúa chân 2 vụ giai đoạn đòng - trỗ - ngậm sữa - chắc xanh, mật độ 500 - 2000 con/m2 (các xã Bình Nghi, Tây Vinh, Tây An, Tây Bình,…). Phát dục của rầy: Trứng - tuổi 1-3 và rầy trưởng thành mang trứng. Ngoài ra, bệnh đạo ôn lá, cổ lá phát sinh gây hại cục bộ trên lúa giai đoạn làm đòng, tỷ lệ bệnh 5-10%, diện tích nhiễm 5,5 ha (các xã Tây Phú, Bình Nghi, Bình Tân, Tây Xuân, Tây An, Tây Bình và thị trấn Phú Phong).
Dự báo trong thời gian đến: Rầy nâu và rầy lưng trắng nở rộ từ ngày 08 -20/3 gây hại nặng cục bộ lúa Đông Xuân giai đoạn trỗ - ngậm sữa - chắc xanh; bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại trên lúa giai đoạn trỗ - ngậm sữa. Chủ tịch UBND huyện yêu cầu:
1. UBND các xã, thị trấn: Tập trung chỉ đạo cán bộ nông nghiệp của địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện và xử lý sâu, bệnh hại lúa hiệu quả ngay từ khi mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng, đặc biệt là rầy nâu, bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa. Phối hợp với các Hội, đoàn thể của địa phương và các trưởng thôn, khối tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi tình hình sâu bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Chỉ đạo các HTX Nông nghiệp, tổ quản lý thủy nông điều tiết nước hợp lý ở những vùng lúa bị nhiễm rầy, bệnh đạo ôn cổ bông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phun thuốc phòng trừ có hiệu quả. Chỉ đạo Đài Truyền thanh các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền các biện pháp chăm sóc và phòng trừ rầy nâu, bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa (theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện) để nông dân biết, thực hiện.
2. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các thành viên của 2 Tổ công tác đứng chân phụ trách từng địa bàn thường xuyên kiểm tra theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến, phát sinh của sâu, bệnh trên đồng ruộng, đặc biệt là đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn cổ bông; đồng thời, chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả. Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện cung ứng kịp thời các loại thuốc đặc trị để nông dân phòng, trừ hiệu quả.
3. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện: Tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, dự tính dự báo kịp thời, chính xác tình hình phát sinh và diễn biến của sâu bệnh, đặc biệt là rầy, bệnh đạo ôn cổ bông cho các địa phương biết để chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng trừ. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ các đối tượng sâu, bệnh gây hại trên cây trồng để hướng dẫn nông dân biết, phòng trừ không để lây lan ra diện rộng. Chủ động phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện để thông tin, tuyên truyền các biện pháp chăm sóc, phòng trừ rầy, bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa để nông dân biết và phòng trừ.
4. Thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ công tác sản xuất nông nghiệp huyện: Tăng cường đi cơ sở, phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh hại lúa và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, không để rầy nâu, bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất lúa.