Tư liệu về chiến thắng Thuận Hạnh ghi lại rằng: Khoảng 6 giờ ngày 22/8/1966, ngay khi 46 máy bay trực thăng với hơn 1.500 tên lính của Lữ đoàn không vận số 101 Mỹ vừa đổ bộ xuống khu vực suối Đục (cách thôn Thuận Hạnh 100m), các chiến sỹ Đại đội 2 do Đại đội phó Võ Lai đã ra lệnh cho cối 60, đại liên cùng các hỏa lực khác đồng loại bắn mãnh liệt vào đội hình dày đặc và còn đang lộn xộn, giết 150 tên; bắn rơi 4 máy bay trực thăng, buộc chúng phải lùi về phía sau để củng cố.
Bị đòn đau choáng váng ngay từ đầu, bọn chỉ huy địch dùng pháo binh và máy bay liên tục đánh phá vào Thuận Hạnh ác liệt hơn với qui mô và cường độ cao hơn bằng cách dùng trực thăng đổ thêm quân sâu vào làng nhằm cô lập để tiêu diệt lực lượng ta. Sau đó, bọn chỉ huy địch liên tiếp tổ chức nhiều đợt tiến công để chiếm Thuận Hạnh nhưng đã bị các chiến sĩ Đại đội 2 kiên cường đánh bại. Suốt một ngày chiến đấu quyết liệt, căng thẳng, cán bộ chiến sĩ Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 2 đã phối hợp với du kích xã Bình Thuận đã giữ vững trận địa, đánh bại hàng chục đợt tấn công của hơn 1.500 quân Mỹ, tiêu diệt 380 tên, làm bị thương hàng trăm tên khác, bắn rơi 8 máy bay trực thăng, bắn hỏng 4 chiếc khác. Đây là trận đầu tiên lực lượng vũ trang địa phương độc lập tác chiến trực tiếp với quân viễn chinh Mỹ, đánh dấu một bước trưởng thành của lực lượng vũ trang Tỉnh, đồng thời thể hiện khí thế quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta.
Chúng tôi về Thuận Hạnh những ngày giữa mùa thu nắng đẹp, may mắn được gặp ông Võ Ngọc Mô một người ở gần và chứng kiến diễn biến trận đánh tại Thuận Hạnh xưa. Ông Mô cho hay, ngày đó, ông đã cùng anh em du kích địa phương đào huyệt chôn 35 chiến sỹ của ta hi sinh trong trận đánh. Với ông, khung cảnh xác xơ của làng quê Thuận Hạnh và giây phút xúc động đó vẫn còn nguyên trong tâm trí suốt 56 năm qua. Chứng kiến và biết ơn những hi sinh của các anh hùng liệt sỹ, 56 năm qua, ông Nguyễn Ngọc Mô luôn phấn đấu vì quê hương mình. Trước năm 1975, ông tham gia lực lượng du kích địa phương và bị thương trong một trận đánh địch ở địa phương. Sau năm 1975, ông là người uy tín, được bầu làm Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, rồi khi về hưu ông lại được tín nhiệm làm trưởng thôn Thuận Hạnh cho đến khi không còn đủ sức.
Thời gian vẫn luôn là phương thuốc diệu kỳ, làm dịu những vết thương, nuôi lớn những khát vọng, ước ao tốt đẹp, mảnh đất Thuận Hạnh hoang tàn ngày xưa nay đã đổi thay, nhân dân Thuận Hạnh luôn biết phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, nỗ lực trong sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Màu xanh của sự sống tươi mới, của thanh bình đã phủ lên nơi đây. Ông Nguyễn Đình Kiều - Trưởng thôn Thuận Hạnh cho biết, từ chỗ nhiều diện tích đất bị bỏ hoang, hoặc chỉ sản xuất cây lúa bấp bênh, nay nhờ có kênh tưới Văn Phong, Thuận Hạnh đã có thể phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị cao như đậu phụng, bắp, ớt, dưa hấu. Cùng với đó, đẩy mạnh chăn nuôi đàn bò lai, heo hướng nạc và đàn gia cầm, phát triển nghề truyền thống nón lá Thuận Hạnh,… thu nhập bình quân đầu người thôn hiện trên 42,5 triệu đồng/ năm. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2019, người dân Thuận Hạnh đã hiến trên 10.000 m2 đất cùng hàng trăm triệu đồng để xây dựng các tuyến đường bê tông nông thôn. Hiện 100% tuyến đường ở thôn đã được cứng hóa, 85 % các tuyến đường được thắp sáng.
Ngày 26/1/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định có quyết định công nhận di tích lịch sử Chiến thắng Thuận Hạnh. Năm 2021, tỉnh đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng để xây dựng Khu di tích lịch sử Chiến thắng Thuận Hạnh với nhiều hạng mục nhằm tôn vinh và tri ân chiến sĩ, đồng bào đã cống hiến, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng quê hương;
Nhân kỷ niệm 56 năm Chiến thắng Thuận Hạnh (22/8/1966 - 22/8/2022), huyện Tây Sơn sẽ tổ chức Lễ giỗ theo nghi thức truyền thống vào chiều ngày 21/8/2022 tại Di tích lịch sử Chiến thắng Thuận Hạnh; Lễ kỷ niệm và dâng hương, dâng hoa cũng sẽ được tổ chức tại đây vào sáng ngày 22/8/2022.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn