Tham dự lớp tập huấn có đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện; Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; trên 135 học viên là đại diện các hội, đoàn thể, các phòng, ban, ngành của huyện; Lãnh đạo UBND; công chức địa chính - xây dựng - nông nghiệp - môi trường UBND các xã, thị trấn; Lãnh đạo Hội liên hiệp Phụ nữ, Nông dân các xã, thị trấn; cán bộ, công chức phụ trách công tác phân loại chất thải tại nguồn tại các xã, thị trấn và khối, thôn các xã, thị trấn.
Phát biểu tại buổi tập huấn, đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Huyện Tây Sơn đang trong quá trình phấn đấu xây dựng để đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2023. Theo đó, để đạt được yêu cầu nội dung của Tiêu chí số 7 về Môi trường theo Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025, phải có trên 40% số hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn. Đồng thời, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được chôn lấp trên địa bàn huyện ≤ 50% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện mới chỉ có xã Tây Phú và xã Bình Tường đã triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn đến các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện hầu hết chưa được thu gom, phân loại tại nguồn trước khi vận chuyển về Bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung của huyện. Mặc khác, Bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung tại xã Tây Xuân của huyện đã gần lấp đầy, dự kiến đến hết năm 2024 sẽ lấp đầy ô chôn lấp số 4. Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn giúp giảm thiểu được khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đưa về xử lý tại Bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung của huyện, đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được chôn lấp trên địa bàn huyện ≤ 50% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện. Vì vậy, việc triển khai thực hiện mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn đến các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện là hết sức quan trọng, cấp thiết để xây dựng huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới, cần có sự vào cuộc của mọi cơ quan, đơn vị, cá nhân, tổ chức và của cả cộng đồng.
Tại hội nghị tập huấn, các học viên đã nghe đồng chí Nhữ Thị Hoàng Yến - Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm - Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định triển khai hướng dẫn cụ thể công tác thu gom, quản lý, phân loại, tái chế, tái sử dụng và cách thức xử lý,… đối với từng loại chất thải sinh hoạt phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân; nâng cao năng lực xây dựng các mô hình quản lý thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Bên cạnh đó, học viên còn nghe các địa phương chia sẻ kinh nghiệm qua việc triển khai mô hình phân loại chất thải tại nguồn.
Qua đó, tạo cơ sở để phục vụ công tác tuyên truyền, triển khai nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn trên địa bàn huyện. Nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn huyện về những lợi ích thiết thực của công tác phân loại rác thải tại nguồn góp phần hoàn thành Tiêu chí 7 về Môi trường trong xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023./.
Nguyệt Ánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn