Để đảm bảo cho công tác bảo vệ rừng, UBND xã đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện triển khai thành lập 01 chốt bảo vệ rừng và giao cho nhân dân trên địa bàn xã thay phiên nhau canh giữ. Chốt bảo vệ rừng được bố trí tại cầu treo làng Kon Mon, gần các khu rừng tập trung nhiều loài thực vật rừng cấp quý hiếm, án ngữ vị trí xung yếu, thuận lợi cho việc tuần tra, kiểm tra góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chặt phá rừng, mua bán vận chuyển các loại lâm sản trái phép. Anh Đinh Vách là một trong những hộ dân nhận nhiệm vụ tham gia canh giữ tại chốt bảo vệ rừng cho biết: “Chốt canh giữ bảo vệ rừng được giao cho các hộ dân trong xã canh giữ và phân lịch trực 24/24, mỗi ca trực có 4 hoặc 5 hộ dân, việc này đã được đưa vào hương ước của từng làng, nếu hộ nào không tuân thủ trực thì làng sẽ trừ tiền vào việc nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ. Vì vậy, các hộ tham gia trực bảo vệ rất đều và nghiêm túc”. Hoạt động của chốt bảo vệ rừng đã đáp ứng được yêu cầu bảo vệ rừng tại địa phương với phương châm “Bám rừng, bảo vệ rừng tại gốc”, từ đó kéo giảm cả về số vụ cũng như tính chất, quy mô các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Chốt bảo vệ rừng được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần giữ độ che phủ của rừng trên địa bàn xã. Kết quả, trong năm 2019 đến nay trên địa bàn chỉ phát hiện 3 vụ vi phạm mua bán trái phép lâm sản, đã tịch thu 2,610 m3 gỗ từ nhóm 6 đến nhóm 7 và 1 xe mô tô, số vụ vi phạm năm sau giảm nhiều so với những năm trước.
Ông Đinh Hoang Bình - Chủ tịch UBND xã Vĩnh An cho biết: “Trước khi thành lập chốt tại điểm giáp ranh, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, phá rừng xảy ra tại các khu vực rừng tự nhiên tương đối mạnh. Từ khi thành lập chốt bảo vệ rừng đến nay thì số lượng các vụ vi phạm phá rừng đã giảm đi nhiều, chốt bảo vệ rừng thành lập và đi vào hoạt động rất hiệu quả và đảm bảo được công tác bảo vệ rừng tại địa phương. Thời gian tới cùng với các ngành, các cấp UBND xã Vĩnh An tiếp tục tuần tra kiểm soát chặt và xử lý nghiêm việc khai thác, vận chuyển, buôn bán các lâm sản trái phép trên địa bàn, tiến tới đẩy lùi tình trạng khai thác rừng, góp phần giữ vững độ che phủ của rừng trên địa bàn xã nói riêng và huyện nói chung”.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là cơ sở vật chất tại chốt bảo vệ rừng chưa được trang bị đầy đủ, chưa có điện và các trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con nhân dân và nhân viên trực tại chốt, tuần rừng chưa được đảm bảo, chỉ là một chồi bằng tre nứa lợp bằng lá rất khó khăn cho việc chốt chăn cũng như nhu cầu sinh hoạt tại chốt. Để bảo đảm công tác bảo vệ rừng, rất mong các ngành, các cấp cần quan tâm và đầu tư xây dựng lại chốt chăn đàng hoàng hơn./.
Tín Trọng