Để chủ động ứng phó lụt bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngay từ đầu mùa mưa, UBND xã Tây Vinh đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã, triển khai công tác, nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh và thích nghi để phát triển là chính”. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân các khu dân cư ngập lụt, UBND xã có phương án chủ động sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Các hộ dân cư có khả năng sơ tán khi thiên tai xảy ra như: Xóm 2, xóm 3 thuộc thôn An Vinh 1; xóm 5 thuộc thôn An Vinh 2; xóm 7 thuộc thôn Nhơn Thuận tổng có 150 hộ với 450 nhân khẩu, di dời đến trường Tiểu học An Vinh và nhà thể thao đa năng xã Tây Vinh. Phương tiện sơ tán bằng sõng và vận tải bộ. Đoạn đường sơ tán khoảng 1.000m, trong đó có đoạn nhà ông Diêm đến soi gò Mùi dài 800m, đoạn cầu Mương Lách đến nhà ông Bảng thôn Bỉnh Đức dài 150m, đoạn từ cầu Mỹ Vinh đến nhà ông Tới dài 300m bị ngập lụt phải dùng sõng. Lực lượng ứng cứu, cứu hộ của xã hỗ trợ giúp nhân dân sơ tán đến nơi an toàn.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã cũng đã chuẩn bị vật tư tại chỗ như: bao, đất, cát, cây, cọc tre; huy động sõng các hộ dân cùng 2 sõng UBND sẵn sàng ứng cứu, ứng phó. Phối hợp với các chủ phương tiện vận tải trên địa bàn vận chuyển vật tư đất, cát ứng cứu khi có thiên tai xảy ra. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, chủ động di dời, bảo vệ an toàn tính mạng của người dân ở những nơi trọng điểm bão lụt, vận động nhân dân tập trung phòng, chống thiên tai tại gia đình.
Bên cạnh đó, UBND xã Tây Vinh cũng đã chuẩn bị phương án, lương thực ứng cứu như mì tôm, nước lọc. Mỗi thôn thành lập lực lượng ứng cứu, cứu hộ tại chỗ số lượng 7 người, do đồng chí Trưởng thôn chỉ huy. Xây dựng phương án theo phương châm “04 tại chỗ”. Đối với những vùng thường hay ngập lụt phải hướng dẫn cho nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết đủ dùng ít nhất 10 ngày khi xảy ra thiên tai. Có phương án chi tiết, xác định địa điểm di dời dân đến, phương tiện di dời, sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn.
Bằng những biện pháp thiết thực, không chủ quan, xem nhẹ công tác phòng, chống lụt, bão giảm nhẹ thiên tai. Hy vọng rằng mùa mưa bão năm nay, xã Tây Vinh sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần ổn định sản xuất, đời sống, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.
Văn Phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn