Thuộc hộ gia đình mới thoát nghèo được hỗ trợ bò từ dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (chăn nuôi bò sinh sản) thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ông Đỗ Cao Bình (ở thôn Trường Định 1, xã Bình Hòa) cho biết, năm 2024, được Nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng, gia đình đối ứng thêm để mua 2 con bò sinh sản. Ngoài ra, gia đình còn được hỗ trợ 4 triệu đồng mua thức ăn cho bò, tập huấn kỹ thuật chăm sóc bò. Đến nay, qua gần 1 năm chăm sóc, một con bò mẹ đã sinh bê con. “Gia đình đang cố gắng chăm sóc để đàn bò phát triển, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”, ông Bình nói.
Cùng với ông Bình, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Bình Hòa có 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo khác được hỗ trợ tiền để mua 112 con bò chăn nuôi. Bà Trần Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cho hay, bên cạnh 2 tổ giám sát của hội, đoàn thể, xã còn phân công cán bộ thú y theo dõi, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi cách chăm sóc, phòng trị bệnh để đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, tạo nguồn sinh kế ổn định cho dân.
Là hộ nghèo thiếu vốn làm ăn, bà Lê Thị Tâm (khối Hòa Lạc, thị trấn Phú Phong) đã được xét cho vay 50 triệu đồng tín dụng chính sách (thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025) để đầu tư nuôi 2 con bò lai sinh sản và trồng 4 sào rau củ.
Nhờ có vốn, cộng với chịu khó làm ăn, áp dụng các kiến thức KHKT do huyện và thị trấn tổ chức nên việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình bà đạt hiệu quả tốt. Bà Tâm cho biết, hiện gia đình có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm, đời sống ổn định hơn.
Nhận thức tầm quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua các cấp, ngành và đoàn thể của huyện Tây Sơn đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình giảm nghèo có tính bền vững giúp người nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tây Sơn, năm 2024, ngân hàng đã giải ngân cho 862 hộ vay trên 58 tỷ đồng, nâng tổng số vốn cho vay đến cuối năm 2024 lên hơn 200 tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, tổng vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được phân bổ cho huyện trong 3 năm qua hơn 18,5 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, huyện đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, phát triển và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Trong đó, đã triển khai xây dựng 13 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng “Nuôi bò sinh sản” tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với 320 hộ được hưởng lợi, kinh phí hơn 8,4 tỷ đồng. Bước đầu dự án đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, huyện tập trung nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách; các dự án phát triển giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm từ chương trình giảm nghèo bền vững để cuộc sống người dân ngày càng ổn định và phát triển. Kết quả điều tra rà soát cuối năm 2024, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều trên địa bàn huyện còn 1.596 hộ, chiếm tỷ lệ 4,09%, giảm 2,85% so với cuối năm 2023; bình quân hằng năm giảm 2,82%, vượt chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện đề ra.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn