Từ ngày 28 đến ngày 30/11, trên địa bàn huyện có lượng mưa to đến rất to, mực nước trên các sông, suối dâng cao đã gây ngập, xói lở và nhiều thiệt hại về nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, tài sản và một số lĩnh vực khác. Trong đó, tại xã Tây Vinh có 01 nhà thiệt hại nặng từ 30% - 70%; Tường rào trường Trung học cơ sở Tây An bị sập khoảng 30m. Toàn huyện có 12,24 ha diện tích gieo cấy lúa thuần thiệt hại hoàn toàn trên 70%; Có 31,45 ha diện tích hoa màu, rau màu thiệt hại hoàn toàn trên 70%; Diện tích đất bị xói lở, vùi lắp, sa bồi: 52,23 ha; riêng xã Bình Thành có 1,8 ha cây tràm bị thiệt hại hoàn toàn trên 70%. Về thủy lợi: có 1.834 m kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng; 482 m bờ sông, bờ suối bị sạt lở. Về giao thông: có 2.173 m đường tỉnh, đường huyện, đường xã bị sạt lở và nhiều cống, đập, bàu bị sạt lở, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do mưa, lũ ước tính 11,869 tỷ đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 3 địa điểm sạt lở núi nghiêm trọng: tại núi Trang Dài thuộc thôn Phú Lâm, xã Tây Phú; sườn núi phía Tây Tuyến đường Bình Thành - Hà Nhe; đồi, núi đá nằm ở phía Đông tuyến đường Quán Á - Vĩnh An,…
Sau khi kiểm tra thực tế, đồng chí Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các ngành, các địa phương khẩn trương ra quân giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ; ngành Y tế chủ động khi nước rút đến đâu tiến hành ngay công tác xử lý môi trường, vệ sinh tiêu độc, khử trùng phòng ngừa dịch bệnh, nhất là sử dụng hóa chất để xử lý các giếng bị ngập nước để người dân có nguồn nước sử dụng; UBND các xã: Tây Phú, Bình Tường, Tây Giang khắc phục tạm thời sự cố lở núi trên địa bàn; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện kiểm tra và hướng dẫn các địa phương, Hợp tác xã Nông nghiệp triển khai công tác khắc phục các công trình thủy lợi, diện tích bị sa bồi, thủy phá đảm bảo các điều kiện phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022 theo lịch thời vụ của huyện.
Văn Phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn