Vụ Đông Xuân 2020 - 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết và các loại sâu bệnh song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và nhân dân nên sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện đạt 8.780,4 ha, trong đó cây lúa gần 5.300ha, năng xuất 71,4 tạ/ha, sản lượng lúa đạt gần 38 nghìn tấn, tăng 143 tấn so cùng kỳ. Nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả; phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện khảo nghiệm, sản xuất thử, chọn lọc đưa vào sản xuất nhiều giống cây, con mới; tỷ lệ gieo sạ giống lúa mới, giống nguyên chủng tăng cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Trong vụ nông dân đã chyển đổi 202,5 ha đất trồng lúa, trồng mì kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn, chủ yếu là đậu phộng. Thực hiện 8 cánh đồng mẫu lớn đạt hiệu quả, nhất là phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất lúa giống theo chuỗi liên kết, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo đầu ra cho nông sản và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng cạn đạt và vượt theo kế hoạch. Đàn vật nuôi duy trì phát triển ổn định, tổng đàn trên 54.000 con, tăng 5,9%. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, việc bảo vệ, quản lý trồng chăm sóc, PCCC rừng được quan tâm, đã chăm sóc, trồng dặm 849 ha rừng trồng năm thứ nhất. Thực hiện chương trình liên kết và cấp chứng chỉ rừng trồng nâng cao giá trị gỗ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2021 - 2022 trên địa bàn huyện Tây Sơn vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Diện tích và sản lượng lúa tăng nhưng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế chưa cao. Hệ thống thủy lợi, trong đó, hệ thống tiêu thoát nước tại nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn huyện chưa được đảm bảo, một số nơi hiện tượng ngập úng vẫn còn thường xuyên xảy ra. Tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tuy có tăng về diện tích so với năm trước nhưng chưa đạt được kỳ vọng về hiệu quả so với kế hoạch đề ra do một số mặt hàng nông sản bấp bênh về giá, một số địa phương còn chậm trong việc triển khai kế hoạch chuyển đổi. Xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết; việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế do chi phí đầu tư cao. Phần lớn các diện tích sản xuất các cây trồng chủ lực chưa được đầu tư thâm canh đúng mức. Thu nhập từ sản xuất trồng trọt đối với các hộ sản xuất còn thấp. Công tác chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh ở một số xã còn chủ quan, chưa chủ động tổ chức phòng trừ; công tác quản lý vật tư nông nghiệp trong thời gian gần đây tuy có nhiều cố gắng nhưng còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Còn thiếu các mô hình mang tính đột phá, mang lại giá trị cao để nhân rộng trên địa bàn huyện. Tiến độ triển khai công tác sáp nhập, hợp nhất các Hợp tác xã trên địa bàn xã Tây Giang, Bình Thành còn chậm.
Vụ Hè Thu năm 2022, huyện Tây Sơn có kế hoạch sản xuất trên 4.800 ha lúa, trên 2.100 ha cây trồng cạn các loại. Lịch gieo sạ lúa vụ thu tập trung từ ngày 01/5 đến 15/5. Đối với những vùng có nguy cơ thiếu nước có thể gieo sạ từ ngày 20/4.
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị các phòng, ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn của huyện cần tập trung triển khai sản xuất Thu, vụ Mùa năm 2022 theo đúng kế hoạch về lịch gieo trồng, cơ cấu giống, diện tích, quy trình canh tác,… theo kế hoạch của huyện đề ra. Đồng thời triển khai linh hoạt, phù hợp điều kiện về nguồn nước, thời tiết, đất đai,… Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo Quyết định số 43/2021/QĐ-UBND ngày 05/8/2021 của UBND tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đảm bảo kế hoạch đề ra. Tiếp tục chỉ đạo duy trì và nâng cao hiệu quả cánh đồng mẫu lớn; phối hợp xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo Quyết định số 38/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn nhằm nâng cao về phẩm chất, sản lượng hiệu quả kinh tế cho nông sản.
Nguyệt Ánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn