Đoàn đến thăm, kiểm tra thực tế các sản phẩm gồm: Bánh canh rau củ Vita (xã Bình Nghi); Dầu phộng, dầu mè (Hợp tác xã nông nghiệp Thượng Giang - xã Tây Giang); Tré chua Thúy Điều (thị trấn Phú Phong) và vườn Cam, quýt, bưởi (xã Tây Xuân).
Qua kiểm tra, đánh giá thực tế, đồng chí Lê Bình Thanh - Bí thư Huyện ủy và đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi để các cơ sở, hộ kinh doanh, các Hợp tác xã, Tổ hợp tác có sản phẩm OCOP phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nói chung, nghề truyền thống nói riêng. Từ đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Lãnh đạo huyện kiểm tra sản phẩm bánh canh rau củ của của Công ty TNHH MTV VITA tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2022
Đồng chí Lê Bình Thanh - Bí thư Huyện ủy và đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện cũng đề nghị chủ các cơ sở, nhà vườn cần đổi mới công nghệ sản xuất để tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tăng năng suất lao động; chú trọng đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm đặc trưng gắn với các địa chỉ du lịch của huyện; hướng đến việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể để mở rộng liên kết, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Chủ động liên hệ với các ngành chức năng để được hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử; siêu thị, tham gia các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá cho sản phẩm,…
Đối với các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP, các địa phương cần chú trọng khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển sản xuất gắn với mở rộng thị trường theo hướng bền vững; cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh và thu nhập cho người dân. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu,…
Lãnh đạo huyện kiểm tra sản phẩm quýt, bưởi, cam tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2022
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ năm 2019 đến 2021, huyện Tây Sơn có 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, gồm: Rượu đậu xanh Tây Sơn - Cơ sở Gia Nguyễn (thôn Kiên Long, xã Bình Thành); Bánh ít lá gai - Hộ Nguyễn Thị Liễu (thôn Mỹ Yên, xã Tây Bình); Rau VietGap Thuận Nghĩa - Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Nghĩa (khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong); Nem chua - Cơ sở Lê Sang (thị trấn Phú Phong); Dầu tràm Xứ Nẫu - Hộ Huỳnh Thị Thúy Hằng (thôn Kiên Long, xã Bình Thành); Dầu Phụng - Hộ Nguyễn Thành Mười (thôn Thuận Nhứt, xã Bình Thuận); Nón lá - Làng Nghề Thuận Hạnh (thôn Thuận Hạnh, xã Bình Thuận). Năm 2022, huyện Tây Sơn có thêm 10 sản phẩm OCOP đang trình Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh xem xét, quyết định công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm: Bánh canh rau củ VIDATA - Công ty TNHH MTV VITA (xã Bình Nghi); Dầu phụng Tân Lạc Việt - Cơ sở ép dầu phộng Lạc Việt (xã Tây Phú); Bưởi da xanh - Hộ bà Phan Thị Mộng Hoa (Bình Tường); Dầu lạc; dầu mè - Hợp tác xã nông nghiệp Thượng Giang (xã Tây Giang); Tré - Hộ bà Võ Thị Thúy (thị trấn Phú Phong); Đông trùng hạ thảo - Công ty BD Group (thị trấn Phú Phong); Bưởi da xanh; cam sành; quýt đường - Hộ sản xuất Hồ Ngọc Dũng (thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân).
Sản phẩm bánh canh rau củ tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2022
Sản phẩm dầu mè, dầu đậu phụng tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2022
Sản phẩm Tré chua tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2022
Văn Phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn