BÁNH HỎI ĐẤT VÕ

Thứ năm - 29/11/2012 11:07
Không giống như bún, cũng không giống bánh cuốn, bánh ướt... Người dân đất võ Tây sơn (Bình Định) có thói quen ăn bánh hỏi bất cứ lúc nào
Bánh hỏi đất võ
Bánh hỏi đất võ

Ăn sáng bằng bánh hỏi với lòng heo, ăn bánh hỏi bữa trưa khi không nấu được cơm, tối đi chơi về thấy đói cũng có thể ra phố mua nửa cân bánh hỏi về ăn,... Theo những người già kể lại, bánh hỏi có từ xưa, là thứ bánh lạ, lúc đầu mới làm ra, ai thấy cũng hỏi là bánh gì? Từ đó, cái tên bánh hỏi được khai sinh.

Cùng họ với bánh hỏi có bánh tráng, bánh đúc, bánh ít và bún. Bánh hỏi là biến thể của bún tươi. Nhận thấy sợi bún lớn, ăn không ngon nên người thợ chế biến làm cho sợi bún nhỏ lại. Bánh hỏi và bún có cách chế biến tương tự nhưng bánh hỏi được làm cẩn thận và công phu hơn.

Gạo thơm vo kỹ, ngâm nước một đêm rồi vớt ra xay nhuyễn bằng cối đá. Cứ dăm ba vòng xay lại thêm một ít nước để cối khỏi "nghẹn". Bột nước là một hỗn hợp sền sệt được cho vào bao vải khô, "đăng" cho ráo nước. Hấp bột vừa đủ chín, nhồi và chia thành từng khối chừng nửa kilôgam rồi đưa vào khuôn ép thành bánh.

Khuôn bánh hỏi là khối ống bằng đồng, đường kính chừng bảy, tám phân, chiều cao chừng hai mươi phân. Phần miệng ống hơi loe để tựa vào bàn gỗ. Đáy ống có một rá dày chừng vài ly, có nhiều lỗ nhỏ, vừa cỡ kim may luồn qua được. Bánh hỏi ngon hay không phụ thuộc nhiều vào lá đồng này. Lỗ nhỏ quá, bột không qua, lỗ lớn quá sợi bánh sẽ lớn ăn không ngon.

Để ép bánh, người ta dùng một khối gỗ vừa lòng khuôn, ép cho bột chảy ra. Bột khá đặc, lỗ lại nhỏ nên thợ phải dùng hệ thống đòn bẩy để tạo sức ép lớn. Một người ép một người bắt bánh. Mỗi lần ép đòn bẩy xuống là những vòi bột xoăn xoắn tuôn ra. Người thứ hai đưa tay hứng lấy và ngắt ra từng đoạn chừng 10cm, sau đó đem hấp cách thủy một lần nữa mới hoàn thành.

Khi ăn, người ta thêm chút dầu phụng cùng với lá hẹ thái nhỏ li ti thoa lên miếng bánh để thêm hương vị. Người dân đất võ có câu: “Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ; Em thương một người có mẹ không cha; Bánh xèo bánh đúc có hành hoa; Bánh hỏi thiếu hẹ như ma không kèn”. Lá hẹ chỉ ăn với bánh hỏi, không dùng cho các thứ bánh khác. Hẹ tuy cùng họ với hành, tỏi nhưng lá rất xanh, hương lại nhẹ nên rất hợp với bánh hỏi. Lá hẹ sau khi thái nhỏ, được xào qua dầu ăn cho thơm. Hương vị chính của món bánh hỏi là do lá hẹ khử dầu tạo nên, vừa thơm vừa bùi mà không cần đến bất kỳ thứ rau thơm nào ăn kèm.

Vì bánh hỏi là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi của người dân Bình Định nên ở các vùng quê làm bánh hỏi chuyên nghiệp như huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước một ngày có thể tiêu thụ cả trăm kilôgam bánh.

Bánh được xếp vào giỏ tre có lót lá chuối nhưng không đậy kín. Bánh hỏi cũng như bún, không kén món ăn kèm. Nếu muốn đơn giản, có thể chan nước mắm chanh ớt hoặc mắm cái rồi ăn liền. Nhưng thường thì người ta ăn bánh hỏi kèm thịt heo luộc cuốn bánh tráng với dưa leo thái mỏng. Cầu kỳ hơn, bạn có thể vào nhà hàng chuyên phục vụ món bánh hỏi ở thị trấn Phù Mỹ, có đến hơn 10 món để chọn lựa: bánh hỏi chả giò, bánh hỏi lòng heo, bánh hỏi thịt nướng, bánh hỏi chạo tôm, bánh hỏi tôm càng, bánh hỏi thịt bò nướng, bánh hỏi bò lụi, bánh hỏi gà lụi...

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay4,189
  • Tháng hiện tại139,184
  • Tổng lượt truy cập7,057,162
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây