Trong đồng mía bạt ngàn của đất Tây Sơn, tỉnh Bình Định có một loài chim nhỏ, cư trú từng đàn. Người ta gọi đó là chim mía Tây Sơn. Thịt chim mía thơm và ngọt, có thể nướng hoặc rán, nhâm nhi cùng rượu Bầu đá hoặc rượu nấu nguyên chất từ đậu xanh thì tuyệt.
"Ai về Kiên Mỹ, Phú Phong
Ăn con chim mía thỏa lòng ước ao"
Huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định có thị trấn Phú Phong, là quê hương của Quang Trung Nguyễn Huệ. Đây thuộc Tây Sơn hạ đạo, một vùng trung du bán sơn địa, với lưu vực sông Côn từ xưa bạt ngàn đồng mía.
Trong đồng mía ấy có một loài chim nhỏ hơn con se sẻ, cư trú từng đàn trong đám lá mía, mỗi đàn đông tới cả ngàn con. Người ta gọi là chim mía Phú Phong, món đặc sản ưa chuộng của du khách đến thăm quê hương Nhà Tây Sơn.
Chim mía
Muốn đánh bắt chim mía, người ta dùng cái trủ như tấm lưới, căng suốt bờ ruộng cao hơn ngọn mía, cầm sào dài đập vào lá mía, rung đuổi chim, cứ thế chúng chuyền dần vào trủ. Những chú chim mía béo tròn sau khi vặt lông, hơ qua lửa cho cháy hết lông tơ, còn lại như một miếng thịt nạc rửa sạch, mổ moi ruột rồi ướp gia vị gồm muối hạt giã nhỏ với ớt, hành, hạt tiêu, thêm ít bột ngọt.
Món ngon nhất là nướng và rô-ti. Nướng thì mổ banh chim, ướp gia vị rồi ép vào cặp đưa trên lò than hồng. Lật vài lượt, mỡ chảy ra xèo xèo thơm lừng cả xóm. Chim rô ti thì thả vào chảo dầu đậu phụng vừa sôi, chỉ mươi phút là chim vàng rộm, xương thịt giòn tan. Những chú chim xếp ra đĩa, rắc lên trên ít hạt vừng rang cho đẹp mắt là có thể thưởng thức. Chim mía mà có rượu trắng chính hiệu Bàu Đá nhâm nhi thì cứ gọi là đệ nhất anh hào. Thịt chim mía thơm mà ngọt đầm, đậm đà hương vị.
Những người sành chim mía, thường chọn những con đầu nhỏ, mỏ ngắn, nếu không tinh sẽ nhầm chim áo giá (áo đà) là loại chim đầu to, mỏ dài, thịt nhạt đánh lừa du khách, vì loại chim này không ngon.
Đồng mía Tây Sơn - Phú Phong ngút ngát xanh, là chỗ cho chim mía ngày càng nảy nở sinh sôi đãi mời du khách gần xa.
Tác giả bài viết: BBT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn