Sau nhiều thay đổi, đến khi thành lập huyện Tây Sơn vào năm 1976, thôn Kiên Mỹ nhập vào thị trấn Phú Phong và gọi là Khối 1. Đến năm 2003, tách thành 2 khối là khối 1 và khối 1A. Trải thời gian, Kiên Mỹ luôn có nhiều nỗ lực trong xây dựng phát triển những nét văn hóa độc đáo của quê hương, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Trong ký ức và khẳng định của nhiều người lớn tuổi ở làng xưa, Kiên Mỹ là làng quê mang đặc trưng của văn hóa Bình Ðịnh và lại có nét bản sắc riêng biệt mà tiến trình lịch sử của một vùng đất đã tạo nên. Chính vì thế, mọi người hay nhắc về câu ca dao ân tình của người Kiên Mỹ: “Cây me cũ, bến Trầu xưa - Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm”. Trong lịch sử lâu dài của mình, Kiên Mỹ gắn liền lịch sử phong trào Tây Sơn, vì đây là quê hương của ba anh em Nguyễn Nhạc - Nguyễn Lữ - Nguyễn Huệ. Sau ngày Gia Long lên ngôi, ngôi nhà của gia đình anh em Tây Sơn bị phá hủy. Từ tấm lòng ngưỡng mộ, sùng kính đối với các vị anh hùng dân tộc, dân làng Kiên Mỹ đã dựng trên nền nhà ấy ngôi đình của làng Kiên Mỹ. Ở Kiên Mỹ có bến Trường Trầu - địa điểm liên lạc của nghĩa quân Tây Sơn năm xưa; có Gò Đá Đen - một địa danh từng được Nguyễn Nhạc xây dựng khu luyện tập của nghĩa quân Tây Sơn năm 1773 và cả hai địa điểm này đã được được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 1988.
Đường Ngọc Hân
Ông Võ Tiến Dũng - Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận khối 1A: Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng và tiềm năng của vùng đất Kiên Mỹ, những năm qua, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của các cấp, ngành; người dân ở khối luôn giữ gìn, tu bổ lại các di tích lịch sử ở khối như sân vận động Kiên Mỹ, tượng đài Tú Thủy, đường Ngọc Hân; gắn bó tình làng nghĩa xóm, đoàn kết xây dựng đời sống ngày càng phát triển và ngày càng giàu đẹp. Hiện khối có 618 hộ, với 2700 nhân khẩu. Nếu như năm 2003, thu nhập bình quân đầu người ở khối chỉ khoảng 18 triệu đồng/người, đến nay đã tăng lên 45 triệu đồng/người. Người dân luôn chung tay cùng địa phương trong tất cả các hoạt động, lực lượng thanh niên hàng năm tham gia nghĩa vụ quân sự bảo vệ tổ quốc đạt chỉ tiêu; đặc biệt, năm 2021 vừa qua, người dân trong khối đã đóng góp 165 triệu đồng, lắp đặt 117 bóng đèn chiếu sáng trên toàn bộ địa bàn khối, làm thay đổi thêm diện mạo của một khu phố ven sông.
Ông Trần Minh Chính - Khối trưởng khối 1, thị trấn Phú Phong: Trước đây Kiên Mỹ có bảy xóm, tên gọi của mỗi xóm gắn liền với tên của một nghề thủ công hoặc buôn bán như xóm Trầu, xóm Rèn, xóm Ươm, xóm Mía, xóm Đậu, xóm Bún,…. sau mấy trăm năm, các ngành nghề truyền thống ở đây cũng có phần mai một, số nghề còn lại không ổn định. Tuy nhiên, sau năm 1975, người dân đã khôi phục lại các ngành nghề truyền thống như làm bún, giá, đậu miếng, áp dụng khoa học kỹ thuật, đồng thời mở mang thêm một số nghề khác phù hợp như buôn bán, mộc, nề, trồng rau sạch,… nên đời sống kinh tế ngày càng khấm khá hơn. Cùng với đó, chương trình xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh đã góp phần làm quê hương đổi thay rất nhiều. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang khiến nhân dân vô cùng phấn khởi. Điều đáng tự hào nhất là nhân dân trong khối luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực lao động, vượt qua mọi khó khăn thử thách. Năm 2021 vừa qua, tập thể cán bộ, nhân dân khối 1 đã được UBND tỉnh Bình Định trao tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Ðất Kiên Mỹ giàu tiềm năng và ngày càng giàu đẹp, người Kiên Mỹ nhân từ, đôn hậu, có truyền thống đấu tranh cách mạng. Kiên Mỹ đang ngày càng phát triển trong sự đa dạng, phong phú của một vùng văn hóa độc đáo cùng với khá nhiều những tiềm năng du lịch, không khí mát mẻ, trong lành, thoáng đãng. Hi vọng, trong tương lai, Kiên Mỹ sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn