Mục tiêu của bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao là kế thừa những thành quả mà Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí để phát huy tính bền vững của chương trình, tạo động lực thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển. Qua hơn 7 năm về đích NTM, diện mạo vùng quê Bình Tường đã có thêm nhiều thay đổi, đời sống của nhân dân được nâng lên đáng kể, tinh thần người dân phấn khởi, tin tưởng hơn vào chủ trương, đường lối của Đảng. Đây là tiền đề, là cơ sở để địa phương đăng ký phấn đấu xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Qua rà soát, đến thời điểm này, trong 13 tiêu chí của Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao tỉnh Bình Định giai đoạn 2018 - 2020, Bình Tường đã đạt 10 tiêu chí, chỉ còn lại 3 tiêu chí chưa đạt gồm: Tiêu chí số 4 (Tổ chức sản xuất), tiêu chí số 6 (Hộ nghèo), tiêu chí số 11 (Cảnh quan môi trường). Ba tiêu chí này đang được địa phương huy động dồn lực để hoàn thành vào cuối năm nay. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 26 tỷ đồng, trong đó vận động nguồn lực trong nhân dân đóng góp khoảng trên 5,3 tỷ đồng.
Đối với tiêu chí số 4 (tổ chức sản xuất): Xã sẽ thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện gắn với phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đưa vào sản xuất các loại cây trồng có chất lượng, giá trị kinh tế cao. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng các vùng sản xuất tập trung; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở các thôn Hòa Trung, Hòa Sơn; vùng sản xuất ngô ngọt ở các thôn Hòa Hiệp, Hòa Sơn; vùng sản xuất cây có múi ở các thôn Hòa Hiệp, Hòa Sơn; chuỗi liên kết sản xuất bò thịt chất lượng cao. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Duy trì vùng sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap ở thôn Hòa Trung; phát triển rau hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ trong và ngoài xã để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và tăng thu nhập cho người dân góp phần giảm nghèo bền vững. Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã; xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã tiên tiến, hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả để hợp tác xã thật sự là cầu nối giữa người dân với doanh nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, liên kết bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Triển khai thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của xã. Tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hàng nông sản trên địa bàn xã. Xây dựng các mô hình trồng rau sạch ở Hòa Trung: 10 ha; Mô hình trồng ngô ngọt: 10 ha, trong đó: Hòa Sơn: 5 ha, Hòa Hiệp 5 ha; Mô hình trồng cây mè (vừng) ở Hòa Hiệp: 6 ha; mô hình gỗ lới “FSC”: 100 ha. Đối với tiêu chí số 6 (Hộ nghèo): Xã sẽ thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo và thực hiện các chương trình an sinh xã hội: Có chính sách hỗ trợ, tín chấp cho vay vốn giải quyết việc làm, đào tạo nghề giới thiệu việc làm tăng thu nhập kinh tế hộ, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách, theo tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 0,5 lần trở xuống so với mức quy định, yêu cầu phải đảm bảo bằng hoặc dưới 2,5%. Trong 3 tiêu chí chưa đạt, tiêu chí số 11 (Cảnh quan môi trường) là khó thực hiện nhất: xã Bình Tường đặt ra mục tiêu phấn đấu thực hiện cung cấp nước sạch cho 80% hộ dân và có 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch; tổ chức thực hiện xây dựng cảnh quang, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; có mô hình phân rác thải tại nguồn ít nhất là 15% với 450 số hộ dân trên địa bàn; tổ chức thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, cụ thể: Đề xuất Ban quản lý cấp và thoát nước tỉnh, huyện mở rộng, đấu nối hệ thống nước sạch đến các khu dân cư mới trên địa bàn xã. Xây dựng cảnh quang, không gian sáng - xanh - sạch - đẹp. Đầu tư lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đường quê: Thôn Hòa Trung 1,7 km, các tuyến đường xóm 5,6,9. Thôn Hòa Sơn 1,5 km, tuyến Quốc lộ 19 từ Cầu dài đến trạm thu phí. Thôn Hòa Hiệp 01 km, tuyến đường Quán Á - Đồng Le (đoạn từ cổng thôn Văn hóa đến Nhà Văn hóa thôn). Trồng hoa kiểng dọc các trục đường chính xã, thôn: UBND xã thực hiện 01 km, tuyến đường QL 19 đoạn từ trước UBND xã đến cây xăng Ba Đàm. Thôn Hòa Trung thực hiện 0,4 km, tuyến đường mở rộng từ nhà ông Tân đến chợ Hòa Sơn. Thôn Hòa Sơn thực hiện 0,3 km, dọc tuyến đường từ Đài kính thiên đến Lăng Mai Xuân Thưởng. Thôn Hòa Hiệp thực hiện 0,4 km, dọc tuyến đường Quán Á - Đồng Le đoạn từ cổng thôn Văn hóa đến cầu Thầy Tôn. Trồng cây xanh ở các điểm công cộng và các công sở, trường học: Hòa Trung 650 cây, Hòa Sơn 650 cây, Hòa Hiệp 650 cây. Thu gom rác thải đạt 90% số hộ và xử lý rác thải tại nguồn 15% số hộ: Hòa Trung có 150 hộ, Hòa Sơn có 150 hộ, Hòa Hiệp có 150 hộ. Đồng thời, UBND xã tiến hành xây dựng nhà tạm chứa chất thải độc hại của bao bì thuốc bảo vệ thực vật và 200 bở chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.
Ông Trần Công Dũng - Chủ tịch UBND xã Bình Tường: Xây dựng NTM nâng cao ở địa phương có rất nhiều thuận lợi bởi các tiêu chí khó như: Tiêu chí giao thông, thu nhập, lao động nông thôn đều đã đạt. Tuy nhiên, việc chỉnh trang một số tuyến đường, xây dựng thôn kiểu mẫu ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn bởi tốc độ hóa đô thị quá nhanh nên các đường làng, ngõ xóm còn nhỏ và hẹp, việc nới rộng diện tích để làm vỉa hè, trồng hoa, cây cảnh gặp rất nhiều gian nan. Xã phải nỗ lực, phấn đấu hết mình để về đích NTM nâng cao cuối năm 2022.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và bà con nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, tinh thần đoàn kết, tin tưởng rằng, xã Bình Tường sẽ xây dựng thành công xã NTM nâng cao cuối năm 2022.
Văn Phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn