Nhờ có vị trí thuận lợi, có tuyến Quốc lộ 19 chạy ngang qua, vào những ngày cuối tuần, đặc biệt là vào các dịp Lễ, Tết. Các điểm di tích lịch sử, danh thắng nói trên đều thu hút hàng trăm lượt khách đến nghiên cứu, tham quan, du lịch.
Khu di tích lịch sử mang giá trị cao với người dân nơi đây và đất nước, đó cũng là nét đẹp văn hóa vùng miền nơi đây. Đài Kính Thiên hay còn gọi là Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn thuộc thôn Hòa Sơn sẽ là điểm đến hấp dẫn với những khách hành hương.
Đài được lập ra nhằm mục đích tế cáo trời đất trước khi khởi sự và sau khi hoàn thành việc lớn như khởi nghĩa, xuất quân, mừng chiến thắng, định đô, dời đô, cầu an bá tánh, thượng điền, hạ điền,… Để đến Đài Kính Thiên, du khách có thể đi theo Quốc lộ 19 (hướng Bình Định về Gia Lai), rẽ trái vào khu di tích Đài Kính Thiên, tại núi Ấn Sơn thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Theo các nhà phong thủy, địa lý đất Hoành Sơn là đại địa, nằm thế “tiềm long, phục hổ” vì có bút (Bút Sơn - Hòn Trưng), nghiên (Hợi Sơn - Hòn Dũng), ấn (Ấn Sơn - Hòn Giải), kiếm (Kiếm Sơn - Hòn Hóc Lãnh), cổ (Cổ Sơn - Hòn Trống), chung (Chung Sơn - Hòn Chuông) ở hai bên tả hữu. Truyền thuyết dân gian kể rằng, vùng nước non linh địa Ấn Sơn là nơi trời đất đã ban kiếm lệnh và ấn triện có khắc bốn chữ “Sơn hà xã tắc” cho ba anh em nhà Tây Sơn. Trước khi khởi binh dựng nên nghiệp lớn, Tây Sơn tam kiệt đã lập đàn tế trời đất ở đây, nhận ấn kiếm để thế thiên hành đạo, thống nhất sơn hà, vỗ yên bá tánh.
Ngày nay Đài Kính Thiên được phục dựng trên nền đất cũ. Công trình khá quy mô, hoành tráng với các hạng mục như: Đàn tế trời đất, Đền Ấn và các công trình phụ trợ,… được bố trí theo trục thần đạo hướng Nam - Bắc, trên khu đất rộng 46 hécta. Đài Kính Thiên tọa lạc trên đỉnh Ấn Sơn, gồm 3 tầng. Tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn, có đường kính 27m, tượng trưng cho trời, chính giữa Viên Đàn là áng thờ trời - đất. Tầng thứ 2 gọi là Phương Đàn, có hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 54m, tượng trưng cho đất, nơi đây khi tế lễ sẽ bố trí các áng thờ thần mặt trời, mặt trăng, các thần biển, sông, núi, đầm,… Tầng dưới cùng cũng hình vuông được xây bao bằng tường đá ong có 4 lối vào theo 4 hướng, hướng chính là hướng Nam. Nằm bên phải Đàn tế là khu Đền Ấn gồm 3 hạng mục là nhà Tiền tế có bàn thờ chung các tướng lĩnh và quân sĩ thời Tây Sơn. Tiếp sau Tiền tế là Phương đình - nơi tượng trưng cho sự thông thiên, giao hòa giữa trời và đất, giữa âm và đương, ở đây sẽ đặt bản sao của Ấn lệnh nhà Tây Sơn. Phía trong cùng là kiến trúc Hậu cung, mặt bằng chữ nhất, 3 gian, mái chái là nơi đặt bàn thờ cùng bài vị của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Đứng trên đỉnh Ấn Sơn lộng gió giữa bốn bề đại ngàn hùng vĩ, xa xa là dòng sông Kôn chảy qua những cánh đồng, du khách nghe lòng dâng tràn nhiều cảm xúc.
Rời Đài Kính Thiên, chúng ta tiếp tục di chuyển thêm gần 2km dọc theo tuyến đường bê tông kết nối với Lăng Mai Xuân Thưởng cũng thuộc thôn Hòa Sơn. Lăng Mai Xuân Thưởng được xây dựng theo lối kiến trúc cổ để tưởng nhớ nhà yêu nước, lãnh tụ xuất sắc trong phong trào Cần Vương kháng Pháp tại Bình Định. Từ phía tây nhìn vào Tam Quan, chúng ta sẽ thấy 4 trụ cổng vuông, phía trên tạo dáng theo kiểu bầu lọ - kiến trúc theo kiểu cung đình, chùa cuối thế kỷ XIX.
Sau khi leo 27 bậc tam cấp dốc dần về phía lăng, chúng ta sẽ nhìn thấy khoảng sân rộng 40m2, có lan can xây xung quanh. Từ sân tiền sảnh vào đến lăng được giật 4 cấp, trước mặt có mộ Nguyên soái Mai Xuân Thưởng. Ðây là một ngôi nhà điệp ốc, cất theo kiểu xưa, mái ngói âm dương, thềm đá núi, nền lát đá vuông láng. Mộ nằm giữa nhà, hình chữ nhật. Dưới chân mộ là tấm bia cao lớn khắc bài một kỷ nêu tiểu sử và công nghiệp của Mai Xuân Thưởng. Lăng mộ được xây cất trông đơn giản nhưng khung cảnh nơi đây lại rất trang nghiêm.
Hàng năm, đến ngày 15 tháng 4 âm lịch, nhân dân Tây Sơn và dòng họ đều tổ chức lễ dâng hương trước lăng mộ Ông. Lăng Mai Xuân Thưởng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử ngày 20 tháng 4 năm 1995.
Sự nghiệp của anh hùng Mai Xuân Thưởng đã được ghi chép vào Quốc sử, tên tuổi và tài danh của Người mãi mãi rạng rỡ với núi sông và mãi mãi sống trong lòng người Việt Nam. Tình cảm của người dân Bình Định đối với người anh hùng Mai Xuân Thưởng vẫn còn mãi theo năm tháng.
Từ Lăng Mai Xuân Thưởng chúng ta lại đến với đập dâng Văn Phong (cách Lăng Mai Xuân Thưởng) vài trăm mét về phía Bắc, con đập cũng nằm trên địa bàn thôn Hòa Sơn kết nối với thôn Phú Lạc (xã Bình Thành), con đập được thiết kế có ngưỡng tràn Piano dài nhất thế giới.
Đập dâng Văn Phong là công trình thủy lợi của Việt Nam đầu tiên áp dụng thi công bê tông bằng phương pháp tự đầm, bởi cánh tràn quá mỏng, có 1 đơn vị cấp phối quản lý. Ngưỡng tràn Piano đã được làm nhiều tại các nước thế giới, nhưng ngưỡng tràn chỉ dài vài chục mét, trong khi ngưỡng tràn Piano của đập dâng Văn Phong dài đến hơn 300m, nên đây là con đập có ngưỡng tràn Piano dài nhất thế giới.
Đập dâng Văn Phong nối 2 bờ sông Kôn đoạn chảy ngang qua huyện Tây Sơn như một nét vẽ mỹ miều, hơn thế, nhờ có đập dâng Văn Phong dâng nước nên đoạn sông này như được khoác lên mình “chiếc áo thủy mặc” cực đẹp với mênh mông sóng nước, mở ra hướng cho huyện bán sơn địa này phát triển du lịch.
Với nhiều tiềm năng du lịch, cùng với việc chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp các điểm đến, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, xã Bình Tường nói riêng, huyện Tây Sơn nói chung đã quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông kết nối các điểm du lịch nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Văn Phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn