Không phải ngẫu nhiên Bảo tàng Quang Trung bắt đầu từ bến Trường Trầu bên dòng sông Kôn và kết thúc ở Điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Với 11.057 tư liệu hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế về Nhà Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung được coi đang sở hữu một kho tư liệu, hiện vật giàu có, phong phú nhất về một thời đại lừng lẫy và vị vua kiệt xuất nhất, được yêu mến nhất trong lịch sử dân tộc. Đây là thành quả một quá trình nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng trong hơn 30 năm qua, kể từ ngày thành lập 1977. Bước chân của họ đã đi khắp đất nước, ra cả nước ngoài để tập hợp về đây tất cả những tư liệu hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn và vua Quang Trung. Ta có thể gặp những báu vật như chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên tham gia phong trào Tây Sơn, ấn tín, các sắc phong, gia phả của nhiều văn thần, võ tướng; chuông đồng, súng thần công, ấn tín, tiền đồng Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, tấm bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn…Nhiều hiện vật trong số này được nhân dân Bình Định và nhiều địa phương trong cả nước lưu giữ tặng lại bảo tàng, cũng có một số hiện vật đến thông qua đại sứ quán các nước bạn mà Bảo tàng nhờ cậy. Tuy vậy, thật xúc động là khi ta được tận mắt di tích bến Trường Trầu lặng lẽ giấu mình sau lùm tre bên bờ sông Kôn mênh mông cuộn nước, cái bến sông mà nhờ nghề buôn trầu lên nguồn xuống biển, Nguyễn Nhạc đã thu phục nhân tâm, tập hợp lực lượng nhân dân Kinh - Thượng, mưu nghiệp lớn. Càng xúc động hơn là được đứng dưới bóng me cổ thụ từng che mát anh em Nguyễn Huệ giờ vẫn xanh um và được uống những ngụm nước ngọt mát, trong vắt, kéo lên từ cái giếng nhà Nguyễn Huệ. Những ngụm nước như kéo gần lại hơn 200 năm lịch sử và ta như thấy Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở vừa từ Điện thờ bước ra, đến chia cùng ta gàu nước được kéo lên từ cái giếng đá ong thân thiết của họ.
Giếng nước ở Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn
Một giếng nằm trong Bảo tàng Quang Trung gắn với tuổi thơ 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cũng như sự nghiệp lừng lẫy của nhà Tây Sơn. Giếng còn lại nằm ở thôn Xuân An, một thời nuôi sống đội quân hậu cần của nghĩa
Giếng nước ở Bảo tàng Quang Trung
Không chỉ có người dân địa phương, nhiều du khách đến Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đều thành kính dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn tam kiệt, rồi ra giếng uống nước phía bên phải Điện thờ xách nước rửa mặt và cầu nguyện.
Theo ông Trần Trung Thông, cán bộ Bảo tàng Quang Trung, giếng nước cổ này cùng với cây me trong Bảo tàng Quang Trung là hai di vật trong vườn nhà của ông Hồ Phi Phúc (cha của ba anh em nhà Tây Sơn) ngày xưa còn lại. Sau khi ông Hồ Phi Phúc từ làng Phú Lạc (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) quê vợ sang định cư tại làng Kiên Mỹ gần bến Trường Trầu để thuận lợi cho việc buôn bán, thì có trồng cây me và đào một giếng nước ở hai bên ngôi nhà.
“Giếng nước ngày xưa được ghép bằng đá ong, không có vữa hồ, không có thành giếng, sâu khoảng 8m, đường kính gần 1m. Sau này, để bảo vệ giếng nên Ban giám đốc Bảo tàng Quang Trung mới xây thêm thành giếng và hàng rào bảo vệ như ngày nay”, ông Thông cho biết.
Theo ông Tô Đình Minh (60 tuổi, ở thôn Kiên Mỹ), người gắn bó với giếng nước từ thuở bé, bây giờ là thợ chụp ảnh ở Bảo tàng Quang Trung, ngày xưa, cả làng Kiên Mỹ chỉ có mỗi giếng nước trong Điện thờ Tây Sơn tam kiệt nên người dân gọi đó là giếng làng. Nước giếng rất trong và mát. Sau này, làng Kiên Mỹ có thêm nhiều giếng mới nhưng nhiều người vẫn thích dùng nước giếng làng. Có những năm nắng hạn, các giếng trong làng Kiên Mỹ đều khô cạn thì giếng trong điện thờ vẫn ăm ắp nước.
Cây Me ở Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn: Được công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Ngày 28 tháng 11 năm 2011 tại Bảo tàng Quang Trung, đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận và gắn biển Cây Di sản Việt Nam cho cây me cổ thụ trong khuôn viên bảo tàng (ảnh).
Cây me ở Bảo tàng Quang Trung
Theo hồ sơ công nhận danh hiệu Cây Di sản Việt Nam, cây me di sản được xác định trên 200 tuổi, với các thông số sinh học đi kèm: có chiều cao 24m, đường kính thân 1,2m, tán lá che phủ hơn 600 m2… Đây là cổ thụ Bình Định đầu tiên được công nhận Cây Di sản, ngoài giá trị lâu năm, cảnh quan, cây me này có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử; được xem là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc.
Về thăm Bảo tàng Quang Trung, được đứng trên mảnh đất, ngôi nhà đã từng sinh ra, nuôi dưỡng ba anh em Tây Sơn trưởng thành, tận mắt ngắm nhìn những di vật, chiến tích hào hùng, lừng lẫy của phong trào nông dân Việt Nam khởi nghĩa vào thế kỷ XVIII, vào Điện thờ đốt nén hương thơm tưởng nhớ công tích to lớn, kiệt xuất của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ; đứng dưới gốc cây me, uống dòng nước mát ngọt của giếng nước xưa, du khách như được sống với tinh thần thượng võ, anh hùng, nghĩa hiệp, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất giữ gìn quê hương đất nước qua lịch sử oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công hiển hách, lừng lẫy của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Tác giả bài viết: BBT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn