Từ Đập dâng Văn Phong: Soi ký ức về sông Kôn xưa

Thứ năm - 17/11/2022 17:12
Chảy trong lòng những miền quê khác nhau, gắn chặt với nguồn sống của bao người quê nơi ấy, nên theo thời gian, khi đời sống của người dân dần đi lên, những công trình hạ tầng được xây dựng, mọi thứ chuyển mình, thì dòng sông nơi ấy cũng có phần đổi thay đi ít nhiều.
Từ Đập dâng Văn Phong: Soi ký ức về sông Kôn xưa

Sông Sài Gòn theo nhịp sống xô bồ của người Sài Thành vồn vã, sông Hàn - Đà Nẵng lung linh theo đà hiện đại của một thành phố xa hoa ánh đèn, sông Hương chẳng còn là sông Hương nữa khi nó chở nặng những gánh hàng sớm tối cùng các chị, các mẹ đi chợ Đông Ba,… Sông Kôn cũng nằm trong quy luật đó, không nhiều, nhưng kể từ khi có công trình Đập dâng Văn Phong, sông cũng trở nên khác lạ, để rồi mỗi một người dân xa quê, hay du khách về thăm lại được nghe kể về ký ức dòng sông ngày xưa ấy.
Sông Kôn có chiều dài khoảng 171 km, bắt nguồn từ Kon Kum và Gia Lai, chảy qua nhiều huyện, nhưng đoạn sông chính chủ yếu chảy qua địa bàn huyện Tây Sơn với tên gọi Hà Giao và hầu như xã nào trên địa bàn huyện Tây Sơn cũng có sông như một tuyệt phẩm tự nhiên ban tặng. Đối với họ, sông như người thiếu nữ mềm mại buông xõa mái tóc dài làm mềm mượt giữa không gian núi đồng yên ả.
Vốn được cụ Văn Phong dùng cây rừng đắp để lấy nước tưới tiêu, năm 2015, đập dâng Văn Phong (thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường) được nhà nước đầu tư nâng cấp thành hợp phần chứa nước bằng bêtông dài gần 550 mét, có thiết kế ngưỡng tràn theo kiểu phím đàn piano lớn nhất thế giới, bao gồm đập dâng Văn Phong dài 542 mét, hệ thống kênh tưới dài 247 km và hơn 3.350 công trình trên kênh. Đập hoàn thiện như một chiếc cầu nối hai bờ vui. Chính bởi được xây dựng từ bàn tay, khối óc của những người kỹ sư tài ba, lại mang sự rung cảm, đồng điệu nơi hồn thiêng núi sông tụ hội nên Văn Phong trở thành một công trình kỳ vỹ, hoành tráng, nhưng không kém phần lãng mạn, thanh tao khi khoác trên mình chiếc áo màu xanh trong của nước, của bầu trời và núi. Côn Giang xưa cũng hiền hòa, nhưng cái thời thiếu nữ, vô tư lự, thất thường, đầy vơi là chuyện dễ thấy mỗi ngày, mùa mưa sông đầy ắp những nước, tưới mát cho những ruộng soi ven sông, đến khi hè về, sông cằn khô sỏi đá. Có lẽ người dân thôn Hữu Giang, xã Tây Giang là những người gắn với chuyện cạn đầy của sông nhiều nhất, bởi cuộc sống của họ đi cùng những chuyến đò sớm tối qua lại khúc sông quê. Ấy vậy mà, kể từ khi có Đập dâng Văn Phong, sông thôi không hờn dỗi, lúc đầy, lúc cạn nữa mà chuyên cần hơn, đằm thắm chở nhiều nước, chịu khó đến với nhiều vùng đất xa xôi cần nước hơn. Công trình Đập dâng Văn Phong đã chế ngự “nàng” Côn Giang như thế. Đứng trên công trình đập dâng, độ cao chừng 25 m, nhìn sông Kôn đẹp hẳn lên như kiểu gái đã có chồng, gò mình vào khuôn phép, trôi điệu đà, duyên dáng hơn.

2


Đến thăm Tây Sơn - quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, sau khi thăm Đài Kính Thiên, Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, xin mời khách muôn phương hãy ghé thăm Đập dâng Văn Phong. Dừng chân ở đây, quý khách sẽ được nghe sông Kôn hát khúc hát sông quê êm đềm hòa cùng những nhịp đàn piano Văn Phong, tận hưởng cái cảm giác phiêu lãng, bồng bềnh của mây và núi, thư thái nghe kể về câu chuyện nàng Côn Giang một thời kiêu kỳ.
Đến đây, du khách có thể đề nghị những hàng quán bên sông cho thưởng thức những củ khoai Hữu Giang thơm bùi, những trái bắp mới hái nướng trên than hồng ngọt ngào vị sữa, hay thưởng thức món cá đồng kho với cơm trắng, nhâm nhi vài ly rượu đậu xanh - đặc sản đất Tây Sơn thì có lẽ du khách sẽ đến và ở lại với Văn Phong, với Tây Sơn nhiều hơn, lâu hơn.
Minh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay1,176
  • Tháng hiện tại116,399
  • Tổng lượt truy cập5,812,887
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây