18 năm qua, bà Sáu đã khai phá vùng đất cằn cỗi tại địa phương để xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp với diện tích 2,4 ha. Năm 2001, khi Nhà nước có chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bà Sáu đã bỏ công sức dỡ từng tấc đất trồng cây bạc hà. Sau 5 năm, bà lại phá đi trồng keo. Năm 2011, thấy chu kỳ cây keo dài, bà Sáu lại chuyển sang trồng 7 sào cây tiêu để “lấy ngắn nuôi dài”. Bà Sáu kể: “Tôi phải chọn nghề làm rẫy vì quá khổ. Nghĩ để thoát nghèo chỉ có chăm chỉ làm ăn, do đó, tôi đã nỗ lực học hỏi kinh nghiệm trồng cây của những người làm kinh tế giỏi và tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Hội Nông dân huyện tổ chức. Trồng cây gì, giống gì thì cũng phải tự học, tự làm dần dần mới có kinh nghiệm”.
Năm 2014, các hội đoàn thể triển khai mô hình trồng cây chanh, bà Tạ Thị Sáu mạnh dạn đầu tư trồng thêm 10 sào chanh trên diện tích keo đã khai thác. Kết quả, cứ mỗi đợt thu hoạch chanh, bà Sáu có lãi vài triệu đến chục triệu đồng. Giờ đây, trang trại của bà Sáu cây đã đơm hoa kết trái trĩu cành. Năm 2019, từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tây Sơn, bà Sáu vay 90 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo ủy thác qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã để cải tạo vườn cây ăn trái. Hiện tại có hơn 230 cây chanh đã cho trái, 100 cây quýt đường, 50 cây mít thái, 50 cây bưởi da xanh đang phát triển khá tốt. Năm nay chanh có giá từ 10.000 đồng đến 17.000 đồng nên bà có thu nhập khá. Cùng với đó, bà trồng thêm gần 3 sào măng tây. Bà vui vẻ cho hay “Khi nghe chồng tôi ngỏ ý muốn trồng cây măng tây, tôi bảo để tui đi học về mới làm được, nói rồi 11 giờ trưa hôm đó, sau khi đi làm về tôi đi ngay qua mô hình măng tây trong xã, nhờ chỉ dạy cách làm. Rồi về đi mua 2.750 cây giống làm ngay; tính tôi nói là làm và đã làm là làm chu đáo”, chị Sáu vui vẻ cho hay. Theo chị, măng thu 1 ngày khoảng 8 kg/sào, giá bán khoảng 50.000 đồng-80.000 đồng/kg, không đủ để cung ứng rộng rãi, chủ yếu chị để bỏ mối cho các nhà hàng hoặc những bạn mối ưa thích loại rau ngon giòn, nhiều chất dinh dưỡng này.
Không chỉ có đất vườn nhà, vào mùa nắng, những diện tích đất xa nguồn điện bơm tưới bà con địa phương bỏ trống, chị Sáu liền xin thuê lại, tận dụng đường dây điện gần nhà bơm tưới để làm làm lúa, làm đậu phộng, mỗi năm chị làm khoảng 6 sào lúa và 10 sào đậu phộng; chăn nuôi thêm 2 con bò cái giống và gà vịt….
Bà Tạ Thị Bích Nhanh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thuận, cho biết: “Với nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, gia đình bà Tạ Thị Sáu đã thành công với mô hình kinh tế trồng trọt kết hợp với chăn nuôi và trở thành hộ có kinh tế khá, giàu ở địa phương, con cái có điều kiện ăn học, trưởng thành. Ngoài ra, bà Sáu còn là một Chi hội phó phụ nữ thôn luôn nhiệt tình tham gia công tác hội giúp đỡ chị em nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Đặc biệt, việc chị Sáu sẵn sàng chia sẻ cho các hộ dân cần kinh nghiệm làm kinh tế và việc chị vận động chị em trong thôn góp tiền hỗ trợ những gia đình khó khăn, góp công gặt hái khi vào mùa đối với chị em ốm đau đột xuất khiến chị em địa phương rất yêu mến và ủng hộ chị. Chị đã được cấp hội huyện khen thưởng là cán bộ hội cơ sở giỏi nhiều năm liền”./.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn