Vụ Đông Xuân 2024 - 2025 toàn huyện Tây Sơn đã gieo sạ khoảng 5.230,5 ha, đạt 100,8% kế hoạch, tăng 19,5 ha so với cùng kỳ. Năng suất lúa bình quân ước đạt 72,3 tạ/ha tăng 0,3 tạ/ha so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 37.816,2 tấn, tăng 284,3 tấn so cùng kỳ. Cây lạc: Diện tích 1.938,1 ha, đạt 102,9% kế hoạch, tăng 55,4 ha so cùng kỳ; năng suất ước đạt 39,8 tạ/ha; giảm 0,3 tạ/ha so cùng kỳ, sản lượng 7.713,6 tấn, tăng 167,2 tấn so cùng kỳ. Các loại cây trồng cạn còn lại đều cho năng suất khá.
Chú trọng công tác chăn nuôi - thú y, đã tiêm phòng bệnh Cúm gia cầm đều đạt tỷ lệ cao, đảm bảo độ bảo hộ tốt cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện.
Chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ và các đơn vị có liên quan rà soát diện tích đất trống để đề xuất trồng rừng thay thế, kết quả đăng ký thực hiện năm 2025 là 3,27 ha tại các xã: Tây Giang, Tây Phú và Bình Tân.
Kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu 2025: Diện tích cây lúa gieo sạ khoảng 4.763,7 ha; năng suất bình quân ước đạt 71,2 tạ/ha, sản lượng 33.931,5 tấn. Cây trồng cạn: Tổng diện tích 2.751ha. Diện tích chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa là 117,2 ha. Diện tích sản xuất một số cây trồng cạn chính vụ Mùa 2025 là 918 ha. Tập trung phát triển đàn vật nuôi chủ lực trên địa bàn huyện đến cuối năm 2025: Số lượng tổng đàn bò 50.000 con; tổng đàn lợn 65.000 con; tổng đàn gia cầm 1.400.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 23.163.000 tấn. Phấn đấu triển khai trồng rừng tập trung đạt 1.316 ha; sản xuất cây giống 10 triệu cây. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 57,1%.
Phát biểu kết luận, đồng chí Bùi Văn Mỹ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện đề nghị các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn và toàn ngành nông nghiệp tập trung tổ chức sản xuất theo hướng chủ động, linh hoạt, bố trí thời vụ, cơ cấu giống cây trồng hợp lý, ưu tiên giống lúa trung và ngắn ngày, chất lượng cao, chống chịu tốt; phù hợp với điều điều kiện từng vùng. Tận dụng tốt nguồn nước hiện có, tiết kiệm nước tưới, đặc biệt tại các vùng có nguy cơ thường xảy ra khô hạn trong vụ Hè Thu. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ, khuyến khích nông dân áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Các địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất theo vùng, theo thế mạnh; tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế cao; phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn trong việc điều tiết nước tưới, phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường công tác dự báo, kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đặc biệt ở các vùng trọng điểm lúa và cây trồng cạn, tránh để sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng. Đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương chủ động phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ ổn định, bền vững. Kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài huyện mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại huyện Tây Sơn, tham gia vào các mô hình liên kết, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản. Huyện cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách, mặt bằng và hạ tầng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, hợp tác lâu dài với nông dân và chính quyền địa phương. Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững; phát huy vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác trong liên kết sản xuất và dịch vụ nông nghiệp.
Văn Phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn