Tây Sơn xanh hơn, sạch hơn nhờ…

Thứ tư - 16/04/2025 10:17
Nhiều mô hình phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp ủ rác thải hữu cơ tạo phân hữu cơ vi sinh triển khai tại huyện Tây Sơn đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Hiệu quả thực tế khiến nhiều người dân thay đổi nhận thức, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, giảm áp lực ô nhiễm môi trường. Tây Sơn đã xanh hơn, sạch hơn nhờ kiên trì theo đuổi hướng đi này.
Anh Hiển dùng phân HCVS để bón cho vườn chanh đào vừa mở rộng. Ảnh: ĐINH NGỌC
Anh Hiển dùng phân HCVS để bón cho vườn chanh đào vừa mở rộng. Ảnh: ĐINH NGỌC

Từ những nông dân tiên phong
Tốt nghiệp khoa Kỹ thuật Điện (Trường ĐH Quy Nhơn) và làm việc ở HTX Nông nghiệp Dịch vụ Tây Thuận, anh Huỳnh Văn Hiển ở xã Tây Thuận được nhiều người biết đến với khu vườn canh tác theo hướng hữu cơ. Anh Hiển chia sẻ: Từ nhiều nguồn thông tin, tôi biết ngày nay muốn sản xuất bền vững phải thay đổi cách thức canh tác. Từ đây tôi suy nghĩ tìm giải pháp tốt để cải tạo diện tích đất gò đồi bạc màu ở quê hương, nhân rộng để người nông dân địa phương cùng thực hiện.
Chính vì lẽ đó, khi đưa vào trồng 200 cây chanh đào trên diện tích 2.000 m2 đất trước đây vốn dùng để trồng mì, trồng mía của gia đình, tận dụng tro trấu, rơm rạ, vỏ các loại đậu đỗ, phân chuồng kết hợp với chế phẩm sinh học Trichoderma, anh Hiển chế biến thành phân hữu cơ vi sinh (HCVS) bón cho cây trồng. Sử dụng phân HCVS không chỉ cải tạo đất, tăng độ màu mỡ mà còn giúp giảm thiểu sâu bệnh hại, đồng thời tạo ra sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế khá. Hiện sản phẩm trái chanh đào của vườn anh Hiển đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Năm 2014, anh Nguyễn Bá Lợi, ở xã Bình Nghi quyết định đầu tư trồng cây quýt đường. Ban đầu, anh chăm bón vườn cây theo cách lâu nay mọi người vẫn làm. Do phải “ăn” quá nhiều hóa chất, ít lâu sau vườn cây xuống cấp dần, chất lượng trái quýt đường kém hẳn. “Xác định gắn bó lâu dài với vườn cây, tôi nỗ lực tìm cách khắc phục và sớm nhận ra rằng, cách duy nhất là phải thay đổi thói quen canh tác, chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường”, anh Lợi nói.
Anh Lợi xây một bể chứa rác thải hữu cơ, tận dụng lá cây các loại và những cành nhánh sau khi cắt tỉa trong vườn ủ với phân bò để làm phân bón hữu cơ. Cùng với loại phân này, anh Lợi còn ủ các loại cá vụn, mật rỉ đường với chế phẩm Trichoderma, một số loại men vi sinh để làm phân HCVS. Dừng sử dụng phân bón vô cơ, kết hợp cả hai loại phân này để cải tạo đất, ít lâu sau vườn quýt đường của anh Lợi xanh tốt trở lại, chất lượng trái quýt thậm chí còn vượt trội hơn so với trước.
Từ khi chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, gia đình anh Lợi giảm được khoảng 50% chi phí phân bón, hóa chất phòng trừ sâu bệnh hại; cây trồng phát triển tốt, chất lượng trái quýt cao hơn hẳn, được thương lái đánh giá cao. Đặc biệt thu nhập từ vườn cây của anh đã đạt mức trên 300 triệu đồng/năm - cao hơn khá nhiều so với trước; đáng chú ý anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động.

Anh Lợi chiết dịch phân HCVS từ thùng ủ để tưới cho vườn cây ăn quả. Ảnh: ĐINH NGỌC

Canh tác theo lối mới, môi trường xanh sạch hơn
Từ tháng 9.2022, được sự hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh, xã Bình Tường đã thực hiện mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn kết hợp ủ rác thải hữu cơ tạo phân HCVS tại thôn Hòa Trung. Mô hình có 100 hộ tham gia phân loại rác tại nguồn, đội thu gom - ủ rác có 7 hộ thành viên.
Ông Nguyễn Thu, thành viên đội thu gom - ủ rác, cho biết, các thành viên trong đội luân phiên đi thu gom rác thải hữu cơ do 100 hộ đã phân loại đưa về ủ thành phân bón rau. Hiện lượng phân vi sinh của đội sản xuất ra đủ dùng cho khoảng 3 ha rau. Thực tế cho thấy việc này rất hữu ích, vừa có lợi cho môi trường, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, lại tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ an toàn, phẩm cấp cao.
Ông Đoàn Minh Bài, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tường cho hay, nhận thức của người dân địa phương về canh tác bền vững ngày càng tốt. Và ngày càng có thêm nhiều người hiểu rõ tầm quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn, mô hình ủ rác thành phân bón được nhân rộng khắp xã, tỷ lệ hộ thực hiện thu gom, ủ rác đạt trên 80% và đang tăng lên. Điều này giúp Bình Tường về đích nông thôn mới nâng cao từ năm 2022 nhưng từ đó đến nay bà con không dừng lại mà vẫn hăng hái theo đuổi canh tác bền vững vì lợi ích thiết thân.
Tại khối Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong), huyện cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường triển khai mô hình điểm của tỉnh về thu gom, phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt tại nguồn kết hợp ủ rác thải hữu cơ cho 210 hộ gia đình. Theo ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa, ở Thuận Nghĩa lượng rác hữu cơ từ gốc rau, lá rau rất lớn. Mô hình này đã đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao độ an toàn cho các sản phẩm rau. “Nhờ thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn, lượng rác thải bước đầu đã giảm đáng kể, tiết kiệm được nhiều công sức, chi phí và góp phần giúp môi trường nông thôn thêm sạch, đẹp”, ông Cầu cho biết.
Nhân rộng các mô hình
Xác định việc bảo vệ môi trường có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, huyện Tây Sơn luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp để cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường, đặc biệt là thông qua phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch hơn, bền vững hơn. Đến nay, có thể khẳng định, Tây Sơn đã thành công bước đầu trong thực hiện mục tiêu trên.

image 20250416101802 2

Bà Nguyễn Thị Tùng, thành viên Đội thu gom - ủ rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học tại Thuận Nghĩa, lấy dịch phân HCVS từ thùng ủ rác thải hữu cơ. Ảnh: ĐINH NGỌC

Để có được thành công đó, huyện đã có nhiều nỗ lực đồng hành, hỗ trợ từ những mô hình có hiệu quả của cá nhân hộ dân đến những mô hình lớn hơn. Điển hình như đối với mô hình trồng cây chanh đào của anh Hiển, huyện đã hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp KH&CN để anh trồng thêm 300 cây chanh, tạo điều kiện để nhiều hộ dân địa phương có cơ sở học tập, nhân rộng, phát triển kinh tế trên đất gò đồi ở địa phương…
Cùng với đó, từ thành công của mô hình phân loại, xử lý chất thải rắn, UBND huyện Tây Sơn đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức tổng kết, mở các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt và nhân dân để nhân rộng mô hình; chỉ đạo cấp xã xem đây là chỉ tiêu quan trọng cho phát triển KT-XH của các xã, thị trấn trong năm. Hiện nay 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đăng ký và thực hiện việc phân loại chất thải sinh hoạt với 24.048 hộ, đạt tỷ lệ 70,98%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 90%, ở nông thôn đạt 77% và đạt 100% kế hoạch UBND tỉnh, nghị quyết HĐND huyện giao từ đầu năm. Trong đó, việc tận dụng chất thải hữu cơ để xử lý, ủ phân bón cho cây trồng phát triển từ 290 hộ (năm 2023) đến nay nhân rộng toàn huyện với 1.652 hộ tham gia.
Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này. Cụ thể, sau khi phát triển về số lượng, chúng tôi sẽ nâng cao hiệu quả, chất lượng việc ủ rác thải hữu cơ, không những ứng dụng trên các đối tượng cây rau mà còn mở rộng cho các đối tượng cây màu, cây ăn quả… Qua đó, thực hiện mục tiêu kép, vừa giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường, đảm bảo tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn, đạt tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn huyện, đồng thời giảm giá thành cho sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường, an toàn cho người sử dụng.
MINH NGỌC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập57
  • Hôm nay6,897
  • Tháng hiện tại524,261
  • Tổng lượt truy cập9,770,044
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây