Huyện Tây Sơn có 2.527 hộ nghèo với 6.852 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 6,55%, hộ cận nghèo có 3.562 hộ, với 10.258 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 9,23%. Số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện có 80.892 người (trong đó lao động nông thôn 65.047 người), tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm khoảng trên 90%, người tàn tật có khoảng 4.400 người. Vì vậy, để giảm nghèo bền vững vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là một trong những công tác quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các xã, thị trấn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó còn cung cấp thêm các thông tin về thị trường lao động, hệ thống các ngành nghề, đồng thời tư vấn cho người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề, tìm việc làm phù hợp với năng lực và cơ cấu kinh tế của địa phương, cũng như nhu cầu thị trường lao động,...
Qua gần 10 năm triển khai thực hiện: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã đào tạo được 4.667 học viên thuộc các nghề may công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi thú y, điện dân dụng, cơ khí hàn tiện, điện tử, sửa chữa máy nông nghiệp, nấu ăn,... Nông dân sau khi học nghề đã bước đầu áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo. Ở nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; huy động được các nguồn lực của xã hội tham gia cho công tác đào tạo nghề và tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề; hỗ trợ và tạo điều kiện cho người sau học nghề để tổ chức sản xuất, kinh doanh, 90% sau khi tốt nghiệp có việc làm (đối với nghề nông nghiệp), 80% (đối với nghề phi nông nghiệp). Kết quả công tác đào tạo nghề đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới,...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua trên địa bàn huyện còn có những khó khăn, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến tư vấn lựa chọn nghề và học nghề ở một số xã chưa được quan tâm đúng mức và thiếu thường xuyên; Cung cấp thông tin về thị trường lao động chưa kịp thời, người lao động còn lúng túng trong lựa chọn nghề; Sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn thiếu chặt chẽ, sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa tốt nên giới thiệu việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp còn hạn chế; Thị trường sản phẩm, nhất là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp bấp bênh, thiếu ổn định. Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho dạy nghề tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, không theo kịp công nghệ sản xuất mới, hệ thống ngành nghề đào tạo chưa đa dạng,...
Tác giả bài viết: Văn Phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn