KHU DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ĐỀN THỜ TÂY SƠN TAM KIỆT

Thứ sáu - 15/12/2023 09:19

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn tam kiệt thuộc làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (thế kỷ XVIII), nay thuộc khối I thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định; cách thành phố Quy Nhơn (tỉnh lỵ Bình Định) 42 km về hướng Tây Bắc         

Các nguồn sử liệu cho biết, tổ tiên nhà Tây Sơn vốn họ Hồ ở Nghệ An. “Nguyễn Văn Nhạc là người huyện Phù Ly thuộc Quy Nhơn. Tổ tiên vốn là người ở huyện Hưng Nguyên thuộc Nghệ An. Ông tổ bốn đời, vào khoảng niên hiệu Thịnh Đức triều Lê (1653-1657) bị quân ta bắt được đem về an trí ở ấp Tây Sơn nhất thuộc Quy Ninh. Cha Nhạc là Phúc dời sang ở ấp Kiên Thành thuộc huyện Tuy Viễn” (Đại Nam chính biên liệt truyện).

 Kết quả của công cuộc di dân, từ thân phận tù binh của chúa Nguyễn là sự ra đời của một số làng ấp người Kinh trên núi rừng Tây Nguyên, trong đó có ấp Tây Sơn, sau phân thành hai ấp: Tây Sơn Nhất và Tây Sơn Nhì (nay là An Lũy và Cửu An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), là quê hương đầu tiên của họ Hồ, tổ tiên Nguyễn Nhạc trên vùng Tây Sơn thượng đạo của xứ Đàng Trong.

Đến đời ông Hồ Phi Phúc kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Đồng rồi chuyển cư về quê vợ ở làng Phú Lạc thuộc ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định); Đây là quê hương thứ hai của họ Hồ ở Đàng Trong. Một thời gian sau đó, để tiện việc làm ăn và mua bán, ông bà Hồ Phi Phúc lại chuyển về làng Kiên Mỹ (nay là khối 1, Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định) sinh sống và sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ (Tây Sơn tam kiệt), khuôn vườn nhà cũ hiện nay của gia đình nhà Tây Sơn là khu di tích Đền thờ Tây Sơn, di tích Cây me, di tích Giếng nước. Như vậy, qua bốn đời, trong khoảng hơn một thế kỷ, dòng họ Nguyễn Tây Sơn di chuyển quê hương qua bốn nơi: Nghệ An, An Khê, Phú Lạc, Kiên Mỹ. Từ một tù binh, nạn nhân của cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn, bằng lao động cần cù, ông cha Nguyễn Huệ đã góp phần khai hoang, lập thôn ấp và tự gây dựng cho mình một cơ nghiệp khá giả.

Sau khi nhà Tây Sơn mất, nhà của gia đình ông bà Hồ Phi Phúc tại làng Kiên Mỹ bị nhà Nguyễn đốt cháy, san bằng. Thời gian sau đó, ngay trên nền nhà cũ, nhân dân địa phương đã góp công, góp của xây dựng một ngôi đình cao to, bí mật thờ Tây Sơn tam kiệt và lấy tên là Đình làng Kiên Mỹ. Hàng năm, vào ngày 15 tháng 11 âm lịch, trong dịp lễ thường tân (tết cơm mới) dân làng tổ chức hiệp kỵ Tây Sơn tam kiệt, nhưng thường chỉ cúng hương hoa và mật cáo chứ không có văn tế. Năm 1946 đình bị cháy; năm 1958 - 1960, nhân dân huyện Bình Khê (huyện Tây Sơn ngày nay)  một lần nữa lại xây dựng tại vị trí đình làng một đền thờ mới lấy tên là Điện Tây Sơn, chính thức thờ cúng Tây Sơn tam kiệt và tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùng 5 tháng giêng hàng năm. Năm 1979 Điện Tây Sơn được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Năm 1998, Nhà nước xây dựng mở rộng Điện Tây Sơn, công trình  với chất liệu bằng bê tông cốt thép, tái hiện các hàng cột to, trính cấu như đình xưa, mái chồng diêm đúc bê tông, dán ngói vảy mũi hài, diện tích 400m2.

Năm 2004 đưa về 9 tượng thờ bằng gốm sứ, bên ngoài tượng dát vàng thật, đặt thờ trong nội điện. Gồm có: Tây Sơn tam kiệt:; Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc; Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ ; Đông Định Vương - Nguyễn Lữ. Và các văn thần võ tướng tiêu biểu của nhà Tây Sơn: Binh bộ Thượng thư Ngô Thì Nhậm; Trung Thư Lệnh Trần Văn Kỷ; Đại Tư Mã Ngô Văn Sở; Thiếu phó Trần Quang Diệu; Đô đốc Bùi Thị Xuân; Đại Tư Đồ Võ Văn Dũng.

 Năm 2014, di tích lịch sử Đền thờ Tây Sơn tam kiệt được Thủ tướng chính phủ ra quyết định cấp bằng công nhận là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt;

Thực hiện chủ trương nâng cấp và mở rộng Bảo tàng Quang Trung, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Tây Sơn, phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà. Năm 2020, khu di tích Đền thờ Tây Sơn tam kiệt được nhà nước quy hoạch, trùng tu tôn tạo theo lối kiến trúc chữ tam gồm 3 gian trên một trục thần đạo; con đường hành lễ bắt đầu từ cổng Nghi môn, tiếp đến là Phương Đình (nhà bia), nhà Tiền Tế; Tiền bái và cuối cùng là gian thờ Thượng Điện(Hậu cung). Khu di tích Đền thờ Tây Sơn tam kiệt được khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 15/2/2022.

Nghi môn có kiến trúc dạng tứ trụ, bên trên cửa chính gắn tấm biển có ba chữ Tây Sơn Điện bằng chữ Hán, hai bên trụ có câu đối cũng viết bằng chữ Hán:

      Phi thường sự nghiệp bi thiên cổ

      Khoáng thế anh hùng Hữu nhất môn

Nghĩa là: ba anh em Tây Sơn là những bậc anh hùng hiếm có cùng ở một nhà và đã làm nên sự nghiệp phi thường tạc nên bia đá nghìn đời.

Phương đình là Nhà tứ giác mái cong, góc mái được trang trí hình hoa lá hóa rồng; các cột trang trí hoa văn rồng mây bằng mảnh sứ, thuỷ tinh đủ màu sắc quấn quanh cột; giữa Phương đình đặt tấm bia bằng đá granite màu đỏ, ghi tóm tắt nội dung lịch sử Đền thờ.

Nhà Tiền tế : thờ gia tiên Tây Sơn tam kiệt

Là công trình kiến trúc 2 tầng tám mái, 5 gian, có hành lang bao quanh với tổng diện tích 432m2, chiều cao 13,2m2 các cột đỡ bằng BTCT. Toàn bộ hoa văn bờ nóc, bờ chảy và đao mái được đắp trát theo mô tuýp vân mây, mái dán ngói ống âm dương có tráng men, nền nội điện làm bằng sàn gỗ, nền hành lang xung quanh lát gạch đất nung Bát tràng. Có 5 bậc bằng đá xanh bắt vần lên nhà thờ

Nội thất đặt 2 án thờ :

Án phía trước thờ cộng đồng gia tiên họ Nguyễn Tây Sơn, bên trên án có ngai thờ sơn son thếp vàng và đặt bài vị bằng gỗ bên trong.

Án phía trong (sát bức vách) thờ thân phụ, thân mẫu Tây Sơn tam kiệt, trên án bài trí 2 bài vị với nội dung: thân phụ Tây Sơn tam kiệt chi linh vị và thân mẫu Tây Sơn tam kiệt chi linh vị đặt trong 2 khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng.

Nhà Tiền tế xây dựng trên nền nhà cũ của gia đình nhà Tây Sơn, ba anh em nhà Tây Sơn được sinh trưởng tại nơi này.

Nhà Tiền bái: thờ Văn thần,võ tướng nhà Tây Sơn.

Nhà Tiền bái được xây dựng phía sau nhà Tiền tế, trên cùng một trục thần đạo, cách nhà Tiền tế 10m; nhà có chiều cao Chiều cao 10,95m; diện tích xây dựng 432,71m2; có bảy gian, toàn bộ khung vì kèo bằng gỗ Lim, mái lợp ngói ống âm dương tráng men màu đỏ gạch. Lối lên chính giữa bằng đá xanh có 7 bậc.

Nội thất đền thờ có đặt 01 giá gỗ để bát bửu (8 loại binh khí) sơn son thếp vàng, hai bên đặt 2 bàn để sắp lễ vật cúng; sát bức vách bên trong đặt 7 án thờ , trong đó có 6 án thờ đặt tượng các tượng văn thần, võ tướng tiêu biểu của nhà Tây Sơn, tượng ngồi theo tỉ lệ 1/1, chất liệu bằng gốm sứ, có dát vàng thật bên ngoài, thể hiện thần thái riêng của mỗi nhân vật và được bố trí vị trí theo lối tả văn hữu võ, bao gồm:

Thượng Thư Bộ Binh Ngô Thì Nhậm; Trung Thư Lệnh Trần Văn Kỷ; Đại Tư Mã Ngô Văn Sở; Thiếu Phó Trần Quang Diệu; Đô Đốc Bùi Thị Xuân; Đại Tư Đồ Võ Văn Dũng.

Án thờ trung tâm nhà Tiền bái thờ chung các văn thần võ tướng triều Tây Sơn, gọi là án công đồng; Trên án đặt 01 ghế ỷ hay còn gọi là ngai rồng, sơn son thếp vàng, ở bên trong là bài vị bằng gỗ sơn son thếp vàng có nội dung: Văn thần võ tướng Tây Sơn chư linh vị.

Nhà Thượng điện (Hậu cung): thờ Tây Sơn tam kiệt

Chiều cao 13,33m; diện tích xây dựng 432,71m2, mái cong cổ lầu, mặt bằng chữ nhật có 7 gian, toàn bộ khung vì kèo bằng gỗ Lim, mái lợp ngói âm dương tráng men màu đỏ gạch.

Mặt trước, lối lên chính giữa bằng đá xanh có 9 bậc. Nội thất đền thờ có đặt 01 gía gỗ phía trước của chính để bát bửu(8 loại binh khí) bằng gỗ sơn son thếp vàng, hai bên đặt 2 bàn để sắp lễ vật cúng; Ba gian chính bên trong đặt 3 án thờ có tượng Tây Sơn tam kiệt Hoàng đế Thái Đức- Nguyễn Nhạc, Hoàng đế Quang Trung- Nguyễn Huệ, Đông Định Vương – Nguyễn Lữ, tượng ngồi theo tỉ lệ 1/1, chất liệu bằng gốm sứ, có dát vàng thật bên ngoài, thể hiện thần thái riêng của mỗi nhân vật và được bố trí vị trí theo lối từ trên xuống dưới, thứ bậc từ anh đến em; trên các cột gỗ trước 3 án thờ có treo 2 cặp liễn đối bằng chữ Hán nội dung ngợi ca công tích sự nghiệp Tây Sơn tam kiệt:

THẦN VÕ DUY DƯƠNG KINH QUỐC TẶC

UY DANH BÁCH THẮNG ĐỘC MIMH CÔNG

( Mỗi lần ra quân bọn giặc nước(ngoài) đều khiếp sợ

Lừng danh trăm trận trăm thắng chỉ mình Ngài)

THIÊN THU CÔNG TÍCH HỤYH HÒA ĐỆ

VẠN CỔ ANH HÙNG DÂN KHẢ VƯƠNG

(Công tích để lại ngàn đời có công anh lẫn công em

Anh hùng muôn thuở từ người dân có thể thành vua)

Bốn gian còn lại bố trí 2 cặp bạch mã, xích thố và cặp kiệu thờ.

Hiện nay, đền thờ Tây Sơn tam kiệt có tổ chức các ngày hiệp kỵ Tây Sơn (ngày 15 tháng 11 âm lịch); ngày giỗ trận Đống Đa gắn liền với lễ hội Đống Đa (mùng 5 tháng giêng) và năm sinh Quang Trung(mùng 5 tháng 5 âl); ngày giỗ (kỵ) Hoàng đế Quang Trung (29 tháng 7 âm lịch). Trong các ngày này, Bảo tàng Quang Trung cùng Ban nghi lễ Đền thờ long trọng tổ chức cúng kỵ theo nghi thức truyền thống, nhân dân từ mọi miền đất nước về dự rất đông để thắp hương tưởng niệm, tri ân Tây Sơn tam kiệt và các văn thần võ tướng, có công với đất nước, với dân tộc.

Hàng năm, khu di tích Đền thờ Tây Sơn tam kiệt, Bảo tàng Quang Trung đã đón tiếp hàng chục vạn du khách trong và ngoài nước đến viếng hương, học tập. Khu di tích Đền thờ Tây Sơn tam kiệt dù trải qua bao thăng trầm theo năm tháng, nhưng vẫn luôn được nhân dân địa phương, bao thế hệ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các vị anh hùng Tây Sơn tam kiệt trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước; góp phần giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay về lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

DI TÍCH GIÊNG NƯỚC

Di tích Giếng nước của gia đình Tây Sơn tam kiệt được ghép bằng đá ong không có hồ vữa kết dính; đường kính miệng giếng 0,9m; giếng sâu 8,5m; thành giếng cao 0,8m (được nhân dân xây sau này).

Năm 1988, tỉnh Bình Định đầu tư kinh phí xây nhà giếng để bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Nhà giếng hình lục giác, mỗi cạnh 3,45m; mái cổ lầu, sàn mái đổ bê tông và dán ngói vảy; Thành giếng được bảo vệ bằng khung gỗ hình lục giác cách điệu với những mắt trúc. Nguồn nước giếng thường xuyên được xử lý vệ sinh nên rất trong và mát để phục vụ tốt cho du khách.            
 

DI TÍCH CÂY ME

Cây me di tích của gia đình Tây Sơn tam kiệt hiện nay trên dưới 300 năm tuổi; gốc me có chu vi 3,9m; chu vi tán lá tới 30m, cành lá rậm rạp che cả một góc vườn. Năm 2011, Cây me di tích được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Ngoài giá trị cây lâu năm, tạo cảnh quan môi trường xanh, Cây me còn có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử; được xem là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của Phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc.       

Di tích Cây me với những hoài niệm thành kính, lời nhắn nhủ thiết tha của nhân dân địa phương đến với du khách trên mọi miền đất nước về một triều đại Tây Sơn hùng cường vững mạnh.:

“  Cây me cũ, bến trầu xưa

Không nên tình nghĩa, cũng đón đưa cho trọn niềm”./.

 

Toàn cảnh khu di tích lịch sử

 

http://dukdn.binhdinh.gov.vn/content/uploads/images/ttxvn_chu_tich_nuoc_khanh_thanh_den_tho_2_1.jpg

http://dukdn.binhdinh.gov.vn/content/uploads/images/ttxvn_chu_tich_nuoc_lanh_dao_binh_dinh_1502.jpg

Dự án Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt

 

giếng nước cổ
cây me cổ thụ


D:\CHANH\tài liệu thuyết minh\hình đền thờ song thân\Screenshot 2023-09-25 195249.png

D:\CHANH\tài liệu thuyết minh\hình đền thờ song thân\Screenshot 2023-09-25 200657.png

D:\CHANH\tài liệu thuyết minh\hình đền thờ song thân\Screenshot 2023-09-25 201125.png

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay3,137
  • Tháng hiện tại138,132
  • Tổng lượt truy cập7,056,110
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây