Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân được khởi công xây dựng ngày 20/9/2007 trên khu đất rộng 5.191m2, thuộc khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định; cách di tích lịch sử Từ đường Bùi Thị Xuân khoảng 500 mét về hướng Tây Nam. Đền thờ do Công ty TNHH xây dựng Tân Phương và Công ty TNHH xây dựng Duy Tân phối hợp thi công và khánh thành ngày 10/7/2008.
Việc xây dựng Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân là thể hiện tấm lòng tri ân, góp phần giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Đền có diện tích 178 m2, xây dựng theo lối kiến trúc cổ lầu.,có 3 gian.Trong nội thất đặt 3 án thờ:
Gian chính giữa đặt án thờ và tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân; Tượng làm bằng gốm sứ và dát vàng bên ngoài với tư thế ngồi theo tỉ lệ 1/1 thể hiện thần thái của vị võ tướng văn võ song toàn; hai bên trước án thờ đặt cặp bát bộ binh khí và cặp liễn gỗ cẩn ốc, nội dung như câu đối thờ tại di tích Từ đường Bùi Thị Xuân:
月 照 清 溪 流 舊 化
霜 驚 高 岸 態 先 情
Nguyệt chiếu thanh khê lưu cựu hóa
Sương kinh cao ngạn thái tiên tình
Tạm dịch
răng rọi khe xanh in bóng cũ
Sương gieo ngàn thẳm chạnh tình xưa.
Bên trái án thờ bà là hương án, bên trên có đặt bài vị gia tiên bằng gỗ sơn son thếp vàng.
Bên phải án thờ bà là hương án, bên trên có đặt bài vị thờ các tướng lĩnh dưới trướng bà bằng gỗ son thếp vàng.
ĐÔ ĐỐC BÙI THỊ XUÂN:
Bùi Thị Xuân sinh trưởng trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước ở làng Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định ). Ông tổ của Bà là Bùi Đắc Thọ là người làng Hội An, huyện Quảng Điền, phủ Nghệ An, di cư vào Đàng Trong lập nghiệp tại ấp Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVII. Ông sinh được ba người con trai là Bùi Công Ái, Bùi Công Nghĩa và Bùi Công Minh. Ông Bùi Công Ái sinh ra ông Bùi Đắc Kế là thân sinh của Bùi Thị Xuân.
Năm 1771, Bùi Thị Xuân tham gia phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và được Nguyễn Nhạc giao trọng trách huấn luyện tân binh, thuần dưỡng voi chiến, Bà đã huấn luyện thuần thục hàng trăm thớt voi chiến, góp phần không nhỏ vào những chiến công vang đội của quân đội Tây Sơn gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp lẫy lừng của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ sau này.
Năm 1778, Bà được Hoàng đế Thái Đức phong chức Đô đốc chỉ huy cấm vệ quân, bảo vệ kinh thành Hoàng Đế (An Nhơn, Bình Định); Từ năm 1786 đến năm 1792, Bà cùng chồng là Thiếu phó Trần Quang Diệu phò tá Nguyễn Huệ tiêu diệt tập đoàn phong kiến Lê -Trịnh, xóa bỏ ranh giới sông Gianh đã chia cắt đất nước hơn 200 năm, đặt cơ sở cho sự nghiệp thống nhất đất nước sau này. Sau khi Quang Trung băng hà, Bà được Cảnh Thịnh giao giữ trọng trách chỉ huy đạo quân cấm vệ bảo vệ kinh đô Phú Xuân.
Năm 1802, Bà chỉ huy 5000 quân góp mặt trong trận đánh ở lũy Trấn Ninh (Quảng Bình) khiến quân Nguyễn hết sức khiếp sợ.
Chuyện kể rằng: khi đối mặt với vua Gia Long Bà khẳng khái cho rằng: Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc Hà.
Có thơ rằng:
Khẳng khái khi lâm nạn!
Kiên trinh lúc khốn cùng
Ngàn thu gương nữ liệt
Gương sáng hãy soi chung.
Bùi Thị Xuân là một nữ kiệt tài sắc vẹn toàn, can trường tiết liệt, Bà đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm thống nhất nước nhà. Tên tuổi Bà đã đi vào lịch sử và mãi mãi là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam.
Bà mất ngày 30/11/1802 tại Phú Xuân (Huế).
Hằng năm, vào ngày mùng 6 tháng 11 âm lịch Bảo tàng Quang Trung long trọng tổ chức lễ tưởng niệm Bà, du khách từ mọi miền đất nước về tham dự rất đông và cùng thắp nén tâm hương tưởng nhớ công tích sự nghiệp vị nữ anh hùng, người con ưu tú của quê hương Tây Sơn – Bình Định./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn