BẢO TÀNG QUANG TRUNG

Thứ tư - 23/01/2013 14:51
Từ thành phố Quy Nhơn theo Quốc lộ 19 về hướng tây hơn 42 km là thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, quê hương của 3 anh em người anh hùng dân tộc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Vẫn cảnh sắc quen thuộc của một vùng quê trù phú miền nam trung bộ với con sông Côn chảy giữa những nương dâu, những ngôi nhà thấp thoáng sau những rặng tre. Chính tại nơi đây đã phát sinh phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Bảo tàng Quang Trung và điện thờ Tây Sơn ở thôn Kiên Mỹ là nơi mà trong cả nước còn lưu giữ khá đầy đủ những di tích hiện vật có liên quan tới phong trào Tây Sơn.
Bảo tàng Quang Trung
Bảo tàng Quang Trung

Bảo tàng Quang Trung được hình thành trên chính nền nhà cũ của gia tộc Nguyễn Huệ ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, quần thể Bảo tàng Quang Trung – điện thờ Tây Sơn là khu Bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng là một trong những bảo tàng thu hút lượng khách đến tham quan du lịch học tập nhiều nhất trên đất nước ta hiện nay.

 

1. Tây Sơn điện:

Tây Sơn Điện trước đây là một đình Kiên Mỹ, được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XIX để bí mật thờ ba anh em Tây Sơn. Đình ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn - nay là khối 1, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

 

 

 

Làng Kiên Mỹ là quê hương thứ hai của dòng họ Nguyễn Tây Sơn ở Đàng Trong. Từ khi về đây, cụ Cụ Hồ Phi Phúc đã góp công sức cùng nhân dân địa phương tạo dựng làng Kiên Mỹ thành làng chuyên làm nghề thủ công truyền thống kết hợp làm nông và buôn bán mà đời sông nhân dân trở nên trù phú. Nghề buôn bán trầu cau ở đây rất thuận tiện, có bến trường trầu bên bờ sông Kôn - nơi tiếp nhận trầu cau từ Tây Sơn thượng đạo chuyển về. Nguyễn Nhạc sau này có thời gian nối nghiệp cha làm nghề buôn bán trầu cau nên nhân dân thường gọi là anh Hai Trầu. Ông từng giao lưu buôn bán khắp miền xuôi, miền ngược trên dòng sông Kôn. Nhờ vậy, Nguyễn Nhạc có điều kiện chiêu hiền, đãi sĩ và khởi xướng phong trào khời nghĩa nông dân ở vùng Tây Sơn thượng đạo.

Làng Kiên Mỹ cũng là nơi hội tụ các nghĩa sĩ và là căn cứ đầu tiên của phong trào nông dân ở vùng Tây Sơn hạ đạo. Dưới sự lãnh đạo của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mà tiêu biểu là anh hùng bách chiến bách thắng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Người đã đưa phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn trở thành phong trào giải phóng dân tộc, đánh đuổi 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.

Sau khi nhà Tây Sơn mất, triều Nguyễn - Gia Long lên cầm quyền đã thẳng tay đàn áp, tận diệt những người theo Tây Sơn và dòng họ Tây Sơn. Mặc dù sự trả thù đó vẫn còn tiếp diễn dưới các triều vua Nguyễn về sau, nhưng nhân dân làng Kiên Mỹ vẫn một lòng trung kiên, thành kính và biết ơn vô hạn đối với Triệu đại Tây Sơn. Thể hiện niềm tri ân đối với người có công với nước. năm Minh Mệnh thứ 3 (1823), nhân dân địa phương đã góp công, của xây dựng ngôi đình làng trên nền nhà củ của ông bà Hồ Phi Phúc để bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn, lấy tên là đình Kiên Mỹ.

Ngôi đình nằm trong khu vườn với diện tích 2.323m2 , bên cạnh còn giếng nước và cây me do cụ Hồ Phi Phúc nuôi trồng và tạo dựng nên. Giếng nước ghép bằng đá ong, không có vữa hồ, là nguồn nước nuôi dưỡng ba anh em trưởng thành. Cây me là nơi Nguyễn Nhạc họp bàn việc nước với các nghĩa sĩ và cũng là nơi nhân dân bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn sau những năm đình bị đốt cháy.

Lúc đầu, đình được xây dựng với kiến trúc theo kiểu nhà mái lá miền Trung, có diện tích trên 100m2, có tiền đường, hậu tẩm, chất liệu bằng gỗ, mái lợp tranh, vách đất, có trính cấu, cột lỏng đở các vì kèo đầu chạm long, phụng, cửa bàn pha, các cây cột ví von: "Hạc chợ đình, cột đình Kiên Mỹ". Sắc phong thành hoàng của triều Nguyễn không thờ ở đây mà đem thờ ở đây mà đem thờ ở miếu Vĩnh An thuộc xóm Hưng Trung. Như vậy, đình Kiên Mỹ xưa thờ thành hoàng là danh nghĩa, còn thực chất là thờ ba anh em nhà Tây Sơn. Vì vậy, ở vùng này có câu ca dao:

    Ai cho miễu lớn hơn đình,

    Bậu có chồng mặc bậu vẫn gọi mình bằng anh.

Nội thất đình được bài trí theo nghi thức đình làng ở miền Trung. Nhà tiền đường thờ Thành hoàng, nhà hậu tẩm thờ Tây Sơn tam kiệt. Về tổ chức ban tế lễ gồm có: Chánh bái và phó chánh bái được hội đồng bô lão lựa chọn trong số những người có học vấn và đức độ để đại diện cho nhân dân cúng tế ở đình. Các học trò gia lễ được ban khánh tiết cử ra. Tổ chức cúng kỵ vào rằm tháng 11 âm lịch, nhân tết cơm mới hàng năm để kỵ hiệp ba anh em nhà Tây Sơn, chỉ mật cáo chứ không có văn tế.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đình đã bị đốt cháy. Sau đó, nhân dân lập miếu nhỏ dưới góc cây me để thờ ba anh em nhà Tây Sơn. Cây me cổ thụ đã đi vào tâm thức dân gian với lòng tri ân nhà Tây Sơn sâu nặng:

Cây me, giếng nước, sân đình

Ơn sâu, nghĩa nặng dân mình còn ghi.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước tạm thời chi cắt, chính quyền Ngô Đình Diệm lên cầm quyền ở miền Nam Việt Nam. Nhân dân làng Kiên Mỹ nói riêng, nhân dân quận Bình Khê (Tây Sơn) nói chung đã góp công, của xây dựng lại ngôi đình ngay trên nền cũ, chính thức lấy tên là Tây Sơn Điện vào năm 1958. Từ đó, việc thờ cúng ba anh em nhà Tây Sơn và lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc hồi Đống Đa hàng năm đã trở thành ngày hội công khai.

Tây sơn Điện được kiến trúc theo kiểu chữ đinh, móng xây đá chẻ, vách xây gạch đặc, mái lợp ngói đúc bằng xi măng, diện tích trên 100m2. Điện thờ chính có 3 gian, chính giữa thờ Quang Trung HOàng đế - Nguyễn Huệ, bên phải thờ Thái Đức Hoàng đế - Nguyễn Nhạc, bên trái thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ, tả hữu điện thờ các quan văn võ và tiên tổ dòng họ nhà Tây Sơn, tất cả đều có án thờ và trang trí theo kiểu cung đình ở miền Trung, hai đầu hồi có giá chiêng, trống để phục vụ tế lễ. Điện có ba dòng cửa pa nô bằng gỗ quý, trên đầu cửa chính điện có ba chữ Tây Sơn Điện, hai bên cửa là câu đối viết bằng chữ Hán:

Tây khê thảo thụ lưu kỳ tích

Nam quốc sơn hà ký võ công

Nghĩa là:

Cây cỏ suối Tây còn giữ gìn chuyện lạ

Sông núi nước Nam ghi chép chiến công (của ba Ngài)

Từ điện chính có nhà dẫn dài 6m, rộng 3m, trước nhà tứ giác, hai bên có hai hàng cột tròn trang trí hoa văn rồng mây quấn quanh cột, được đính bằng mẻ chai, chén vỡ đủ màu sắc rất uy nghi. Nhà tứ giác mái công, góc mai trang trí những hoa lá mái rồng, trên chóp có hồ lô thể hiện bầu thánh cứu an dân lành, trong nhà tứ giác có tượng bán thân Hoàng đế Quang Trung bằng gốm, cao 0,6m, sơn đen đặt trên bục cao 1 m, trước nhà dẫn có nhà bia hình tứ giác, bên trong đặt một tấm bia xi măng tráng đá mài xanh, nội dung văn bia ca ngợi thân thế sự nghiệp của ba anh em Tây Sơn. trước cổng điện, cổng chính rộng 6 m, hai cổng phụ hai bên rộng 1,2m, cao 7m, trên cổng là tấm biển đề ba chữ Tây Sơn Điện, hai bên trụ cổng chính có câu đối viết bằng chữ Hán:

Phi thường sự nghiệp bi thiên cổ

Khoáng thế anh hùng hựu nhất môn.

Nghĩa là: ba anh em Tây Sơn là những bậc anh hùng hiếm có ở cùng một nhà và đã làm nên một sự nghiệp phi thường tác nên bia đá nghìn đời. Trên đầu hai trụ cổng chính giữa được trang trí lồng đèn và hai trụ cổng bên ngoài được trang trí biểu tượng hai ngọn đuốc thể hiện sự tỏa sáng của chính nghĩa Tây Sơn.

Sau khi điện thờ xây dựng xong, tập thể bô lão địa phương đã bầu ra ban tế lễ gồm: Chánh bái, phó chánh bái và các học trò gia lễ đúng như nghi thức tiền lệ ở đình làng cũ. Lễ giỗ ba anh em nhà Tây Sơn vào rằm tháng 11 âm lịch gọi là kỵ hiệp và ngày giỗ trận kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào ngày mùng 5 tết. Tế lễ được tổ chức trang nghiêm và có đọc văn tế. Ba mẫu sáu sào ruộng của gia đình Tây Sơn bị Gia Long tịch thu sung công gọi là ngụy điền Tây Sơn cũng được chính quyền giao lại cho ban quản lý điện thợ thu hoa lợi phục vụ cúng kỵ.

Sau chiến thắng lịch sử 1975, đất nước được độc lập, thống nhất, Đảng và nhà nước đã cho phép tỉnh Nghĩa Bình (nay tỉnh Bình Định) xây dựng Bảo tàng Quang Trung bên cạnh khu di tích Điện thờ. Từ đó, Tây Sơn Điện được giao cho bảo tàng Quang Trung trực tiếp quản lý. Hằng năm, Bảo tàng phối hợp cùng bô lão địa phương thực hiện các nghi thức cúng kỵ như tiền lệ.

Trong thời gian quản lý, Bảo tàng đã nhiều lần tu bổ Điện thờ nhưng không tránh khỏi sự xuống cấp vì Điện thờ quá cũ và chật hẹp, không đủ điều kiện cho hàng vạn du khách về đây thăm viếng, tưởng niệm trong các ngày lễ, tết. Năm 1998, đáp ứng lời kiêu gọi quyên góp tiền của để xây dựng lại Điện thờ của UBND tỉnh Bình Định, các nhà hảo tâm với đạo lý "uống nước nhớ nguồn" đã tự nguyện công đức hàng tỷ đồng để xây dựng lại Điện thờ. Công trình được khởi công vào tháng 4/1998 và hoàn thành vào cuối năm, kịp phục vụ Lễ kỷ niệm 210 năm năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (Mùng 5 tháng giêng, năm Kỷ Mão 1999). Điện thờ xây dựng lại với kiến trúc cổ, khá quy mô và hoành tráng, tổng điện tích gấp 3 lần so với Điện thờ cũ, chất liệu bằng bê tông cốt thép, được tái hiện các hàng cột to và trính cấu như đình xưa, mái đúc bê tông dán vảy mũi hài. Góc mái cong hình mũi thuyền, trang trí hoa văn lá hóa rồng. Trên nóc Điện được trang trí "Lưỡng long chầu nguyệt" thân hình to khỏe, chân có 5 móng, vảy đính bằng các loại mảnh sứ và thủy tinh xanh, vàng rất sinh động. Điện có 5 dòng pa nô phủ màu nâu, trên đầu cửa được chạm trổ hoa văn tùng, cúc, trúc, mai. Trên đầu cửa chính có dòng chữ "Tây Sơn Điện", hai bên cửa chính có câu đối viết bằng chữ Hán:

Tây khê thảo thụ lưu huân nghiệp

Nam quốc sơn hà chấn chiến công.

Nghĩa là:

Cây cỏ ở suối Tây còn lưu lại sự nghiệp cao cả

Sông núi nước Nam chấn động những chiến công.

Trước chính điện có nhà dẫn như điện thờ cũ, hai bên có hai hàng cột to và trang trí rồng mây quấn quanh cột rất uy nghi, trước nhà dẫn có 1 tấm bia đá granite màu đỏ, ghi tóm tắt nội dung lịch sử điện thờ. Công điện giữ nguyên như cũ. Di tích giếng nước được xây nhà che hình lục giác đổ bê tông mái dan ngói vảy, cây me cổ thụ được tu bổ khang trang hơn trước.
 

Nội thất được trang trí theo nghi thức cũ, các án thờ được làm từ gỗ quý, Chạm trổ công phu. Án tiền điện là án công đồng, thờ chung các vị trong điện và tiên tổ dòng họ nhà Tây Sơn. Án hậu điện, chính giữa thờ Quang Trung Hoàng đế - Nguyễn Huệ, phía bên thờ Thái đức Hoàng đế - Nguyễn Nhạc, Phía bên trái thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ. Hai bên điện thờ các văn võ tướng Tây Sơn. Khi điện thờ mới xây dựng xong chỉ bài trí các án thờ, đến 2004 được đưa vào 9 tượng thờ bằng gốm sứ dát vàng gồm tượng ba anh em nhà Tây Sơn và sáu văn võ tướng tiêu biểu là: Thượng thư bộ binh Ngô Thì Nhậm, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, Đại tư mã Ngô Văn Sở, Thiếu phó Trần Quang Diệu, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đại tư đồ Võ Văn Dũng. Mỗi tượng được đặt trên một bệ bê tông ốp đá granite màu đỏ cao 1m, trước tượng là án thờ. Trên án bài trí tam sơn, đèn, đài, hạc và bát nhang bằng đồng. Trước các thờ công đồng, Thái đức Hoàng đế - Nguyễn Nhạc, Đông Định Vương - Nguyễn Lữ đặt một cặp lộc bình bằng gỗ cao 1m40 chạm nổi hoặc khảm xà cừ các tranh ngự, tiều, canh, mục hoạch long, ly, quy, phụng. trước án thờ Quang Trung Hoàng đế - Nguyễn Huệ đặt cặp hạc đứng trên lưng rùa bằng đồng, cao 1m60. Hàng cột trước án thợ hậu điện có hai câu liễn khảm xà cừ chữ Hán:

- Thiên thu công tích huynh hòa đệ

Vạn cổ anh hùng dân khả vương.

- Thần võ duy dương kinh quốc tặc

Uy danh bách thắng độc minh công

Nghĩa là:

- Công tích ngàn đời, có công anh lẫn công em

Anh hùng muôn thuở, từ người dân có thể thành vua.

- Mỗi lần ra quân, bon giặc nước đều khiếp sợ

Lưng Danh trăm trận trăm thắng, chỉ một mình Ngài.

Phía trên đàu cột là bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng, trước án thờ Quang Trung Hoàng đế - long chầu nguyệt, trước án thờ Thái đức Hoành đế - Nguyễn Nhạc và án thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ trang trí họa tiết hoa lá hóa rồng. Hai đầu hồi có hai phòng để giá chiêng và giá trống phục vụ nghi thức tế lễ. Dưới sân điện thờ, ngày trước nhà dẫn đặt một lư hương bằng đồng to có mái che, hai bên cổng là hai voi đá granite màu xám, vào bên trong là cặp Kỳ lân bằng đá granite màu đỏ đứng chầu, tất cả đều do các cá nhân có lòng ngưỡng mộ sự nghiệp Tây Sơn tiến cúng.

Hiện nay, ngoài ngày hiệp kỵ Tây Sơn (15/11 âm lịch), ngày giỗ trận Đống Đa (mùng 5 tháng giêng âm lịch), còn có ngày kỵ Quang Trung Hoàng đế (29/7 âm lịch). Trong các ngày này, bảo tàng Quang Trung cùng ban nghi lễ điện thờ long trọng tổ chức cúng kỵ theo nghi thức truyền thống. Cán bộ cùng nhân dân địa phương tập trung về dự rất đông. Riêng Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã có hàng vạn du khách khắp nơi về dự và thăm viếng điện thờ, cây me cổ thụ, giếng nước gia đình Tây Sơn như về cội nguồn, về nơi địa linh nhân kiệt để thắp hương tưởng niệm, tri ân những người đã có công với đất nước với dân tộc. Điện Tây Sơn dù đã trải qua bao năm tháng nhưng vẫn được nhân dân địa phương bảo tồn và phát huy giá trị nhằm thỏa mãn đời sống tâm linh của mọi người. Với ý nghĩa đó. Điện Tây Sơn đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

 

2. Bến sông, cây me, giếng nước

 

Ai đến với Phú Phong, nhẹ bước trên cầu Kiên Mỹ bắc qua con sông Kôn nổi tiếng để đến với Bảo tàng Quang Trung, cũng có thể cảm nhận được linh khí núi sông của vùng đất từng sinh ra những anh hùng áo vải Tây Sơn.  Không phải ngẫu nhiên Bảo tàng Quang Trung bắt đầu từ bến Trường Trầu bên dòng sông Kôn và kết thúc ở Điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Với 11.057 tư liệu hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế về Nhà Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung được coi đang sở hữu một kho tư liệu, hiện vật giàu có, phong phú nhất về một thời đại lừng lẫy và vị vua kiệt xuất nhất, được yêu mến nhất trong lịch sử dân tộc. Đây là thành quả một quá trình nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng trong hơn 30 năm qua, kể từ ngày thành lập 1977. Bước chân của họ đã đi khắp đất nước, ra cả nước ngoài để tập hợp về đây tất cả những tư liệu hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn và vua Quang Trung. Ta có thể gặp những báu vật như chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên tham gia phong trào Tây Sơn, ấn tín, các sắc phong, gia phả của nhiều văn thần, võ tướng; chuông đồng, súng thần công, ấn tín, tiền đồng Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, tấm bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn…Nhiều hiện vật trong số này được nhân dân Bình Định và nhiều địa phương trong cả nước lưu giữ tặng lại bảo tàng, cũng có một số hiện vật đến thông qua đại sứ quán các nước bạn mà Bảo tàng nhờ cậy. Tuy vậy, thật xúc động là khi ta được tận mắt di tích bến Trường Trầu lặng lẽ giấu mình sau lùm tre bên bờ sông Kôn mênh mông cuộn nước, cái bến sông mà nhờ nghề buôn trầu lên nguồn xuống biển, Nguyễn Nhạc đã thu phục nhân tâm, tập hợp lực lượng nhân dân Kinh - Thượng, mưu nghiệp lớn. Càng xúc động hơn là được đứng dưới bóng me cổ thụ từng che mát anh em Nguyễn Huệ giờ vẫn xanh um và được uống những ngụm nước ngọt mát, trong vắt, kéo lên từ cái giếng nhà Nguyễn Huệ. Những ngụm nước như kéo gần lại hơn 200 năm lịch sử và ta như thấy Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở vừa từ Điện thờ bước ra, đến chia cùng ta gàu nước được kéo lên từ cái giếng đá ong thân thiết của họ.

 

 

 

 

Cây Me ở Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn: Được công nhận là cây Di sản Việt Nam.

Ngày 28 tháng 11 năm 2011 tại Bảo tàng Quang Trung, đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận và gắn biển Cây Di sản Việt Nam cho cây me cổ thụ trong khuôn viên bảo tàng (ảnh).




 

Theo hồ sơ công nhận danh hiệu Cây Di sản Việt Nam, cây me di sản được xác định trên 200 tuổi, với các thông số sinh học đi kèm: có chiều cao 24m, đường kính thân 1,2m, tán lá che phủ hơn 600 m2… Đây là cổ thụ Bình Định đầu tiên được công nhận Cây Di sản, ngoài giá trị lâu năm, cảnh quan, cây me này có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử; được xem là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc.

Về thăm Bảo tàng Quang Trung, được đứng trên mảnh đất, ngôi nhà đã từng sinh ra, nuôi dưỡng ba anh em Tây Sơn trưởng thành, tận mắt ngắm nhìn những di vật, chiến tích hào hùng, lừng lẫy của phong trào nông dân Việt Nam khởi nghĩa vào thế kỷ XVIII, vào Điện thờ đốt nén hương thơm tưởng nhớ công tích to lớn, kiệt xuất của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ; đứng dưới gốc cây me, uống dòng nước mát ngọt của giếng nước xưa, du khách như được sống với tinh thần thượng võ, anh hùng, nghĩa hiệp, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất giữ gìn quê hương đất nước qua lịch sử oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công hiển hách, lừng lẫy của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.

 

3. Nhạc, võ, hai trong một

 

Võ thuật và trống trận Quang Trung là hai di sản phi vật thể lớn của Nhà Tây Sơn. Ba anh em Tây Sơn là những người có vai trò rất to lớn khai sáng, phát triển, hoàn thiện các võ phái Bình Định, cải cách nâng cao các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho nghĩa quân. Tương truyền, Nguyễn Huệ sáng tạo Yến phi quyền, Độc lư thương, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, được coi là những độc chiêu của võ thuật Binh Định. Cũng chính Nguyễn Huệ đã chủ trương hình thức đưa nhạc trống vào khích lệ ba quân chiến đấu, còn truyền lại ngày nay với tên gọi trống trận Quang Trung.

 

 

Bởi vậy, nhà biểu diễn võ, nhạc và đội biểu diễn nhạc, võ đã trở thành một phần không thể thiếu của Bảo tàng Quang Trung. Các buổi biểu diễn nhạc, võ bao giờ cũng là một final bất ngờ và kỳ thú với du khách. Tại đấy, người ta sẽ khám phá ra ở cái xứ được gọi là đất võ trời văn này, nhạc và võ chỉ là một, trong nhạc có võ, võ cũng đầy chất nhạc, những người biểu diễn quyền cước, binh khí và kèn trống kia khó phân biệt ai là nghệ sĩ còn ai là võ sĩ. Chỉ có thể gọi họ bằng một cái tên: những nghệ sĩ –võ sĩ. Những người này đã giúp ta hiểu: võ thuật ở tầm cao và chiều sâu của nó, chính là văn hóa là nghệ thuật, và nghệ thuật, văn hóa có thể và cần phải song hành với võ công để lập nên những kỳ tích cho non sông, đất nước. Mà hình như đó là di huấn từ cuộc đời 39 mùa xuân của người anh hùng kiêm tài văn võ Nguyễn Huệ, bậc đại trí, đại dũng, đại nhân trong lịch sử dân tộc.

Chị Võ Thị Thuận,  người nghệ sĩ từng làm rung động lòng người với dàn trống trận 12 chiếc tại Bảo tàng Quang Trung và nhiều nơi trong và ngoài nước, là người nối nghiệp của một gia đình từng 9 đời đánh trống trận Tây Sơn. Hiện chị Thuận cũng đã tìm được người kế nghiệp là Phan Thị Mai, năm nay vừa tuổi hai mươi. Thăm Bảo tàng Quang Trung cuối tháng 3.2008, tôi đã được xem Mai biểu diễn, tuy chưa uyển chuyển, vũ bão như chị Thuận nhưng cũng sôi động, hào khí lắm. Có thể nói, nếu không có Bảo tàng Quang Trung, rất có thể di sản trống trận Tây Sơn đã bị tuyệt tích. Mà đó là loại di sản có một không hai, theo như một nhạc sĩ nghiên cứu về loại nhạc độc đáo này thì nó hoàn toàn xứng đáng được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Bảo tàng Quang Trung là bảo tàng duy nhất ở nước ta có một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong biên chế của mình, chuyên biểu diễn nhạc, võ.


 

Tác giả bài viết: Ban biên tập

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập62
  • Hôm nay4,055
  • Tháng hiện tại139,050
  • Tổng lượt truy cập7,057,028
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây