DI TÍCH LĂNG MAI XUÂN THƯỞNG

Thứ hai - 07/01/2013 14:39

Ngó vô Linh Đổng mây mờ
Nhớ Mai Nguyên soái dựng cờ đánh Tây
 

Câu ca mà mọi người thường đọc khi về quê hương Tây Sơn để tưởng nhớ đến nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng, lãnh tụ phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX ở Bình Định. 

Mai Xuân Thưởng sinh năm Canh Thân 1860, mất năm Đinh Hợi 1887 người thôn Phú Lạc, tổng Phú phong, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định (nay là thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Cha là Mai Xuân Tín làm Bố chánh ở Cao Bằng, mẹ là Huỳnh Thị Nguyệt con của một nhà quyền quý trong làng. Mai Xuân Thưởng vốn là người thông minh, ham học. Năm 18 tuổi (1878) ông đỗ Tú tài tại Trường thi Bình Định. năm 25 tuổi (1885) thi đỗ cử nhân. Hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, Mai Xuân Thưởng về quê Phú Lạc, chiêu mộ nghĩa binh, lập căn cứ ở hòn Sưng dựng cờ cần vương chống Pháp, sau đó Mai Xuân Thưởng đã đem lực lượng của mình gia nhập vào nghĩa quân do Đào Doãn Địch lãnh đạo và được  Đào Doãn Địch phong giữ chức Tán lương quân vụ (phụ trách về lương thực của nghĩa quân). Kể từ đó cho đến năm 1887, phong trào cần vương ở Bình Định phát triển mạnh mẽ và lan  ra đến Quảng Ngãi, Phú Yên...thu hút hàng chục ngàn người thuộc mọi tầng lớp tham gia.

 Ngày 20/9/1885 Đào Doãn Địch mất, giao toàn bộ lực lượng cho Mai Xuân Thưởng. Ông chọn vùng núi Lộc Đổng (nay thuộc xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) làm đại bản doanh và tổ chức lễ tế cờ , truyền hịch kêu gọi sỹ phu, văn thân, nhân dân tham gia phong trào cần Vương chống Pháp. Trong buổi lễ ấy, nghĩa quân nhiều vùng trong tỉnh Bình Định đã nhất trí suy tôn ông làm Nguyên soái  lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và nêu cao khẩu hiệu: “Tiền sát tả, hậu đả Tây”. 

Với kế hoạch kháng chiến lâu dài, Mai Xuân Thưởng cùng với các tướng lĩnh xây dựng nhiều căn cứ như: mật khu Linh Đổng, căn cứ Hầm Hô, căn cứ Nam trại, Bắc trại, thứ Hương Sơn, kho lương (Tiên Thuận) và căn cứ núi Chóp Chài (huyện Phù Mỹ), liên kết với nghĩa quân Nguyễn Bá Loan (Quảng Ngãi) đánh quân của Nguyễn Thân, đồng thời phối hợp với nghĩa quân ở Khánh Hòa và Bình Thuận đánh chiếm tỉnh thành. Ngay trong địa bàn Bình Định nghĩa quân đã đánh chiếm giữ khu vực từ cảng Quy Nhơn lên tỉnh lỵ Bình Định (nay là thị xã An Nhơn), cô lập lực lượng địch ở Bình Định tại Qui Nhơn, không cho liên lạc với nhau, đồng thời ngăn chặn lực lượng Pháp từ Quy Nhơn lên tỉnh lỵ Bình Định.
     Đầu năm 1887, quân Pháp dưới sự chỉ huy của Trung tá Cherrean và quân triều đình do Trần Bá Lộc chỉ huy cùng với Công sứ Trira đã mở cuộc tấn công lớn lên căn cứ đại bản doanh của phong trào Cần Vương Bình Định, trận giao chiến giữa lực lượng nghĩa quân với giặc Pháp diễn ra vô cùng ác liệt, cuộc chiến đấu không cân sức, cuối cùng lực lượng khởi nghĩa bị đẩy lùi.

     Tháng 3 năm 1887, sau trận ác chiến ở Bàu Sấu (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), Mai Xuân Thưởng bị thương nặng, nghĩa quân rút về Mật khu Linh Ðổng. Ngày 21 tháng 4 năm 1887, Trần Bá Lộc bao vây đánh chiếm căn cứ mật khu Linh Đổng và bắt được một số nghĩa quân, trong đó có thân mẫu Mai Nguyên Soái. Đêm 30 tháng 4 năm 1887, Mai Xuân Thưởng đã cử một đội quân cảm tử đột nhập doanh trại Trần Bá Lộc, giải vây cho những người bị bắt, ông cùng đoàn thuộc hạ gồm 50 người vượt núi vào Phú Yên, tiếp tục kháng chiến, nhưng khi đến đèo Phú Quý (ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên) thị bị phục binh Trần Bá Lộc bắt và đưa ra xử trảm tại Gò Chàm (Phía đông Thành Bình Định). 

Di tích Lăng mộ nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng tọa lạc trên ngọn đồi cao của dãy núi Ngang (thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50km về hướng Tây Bắc; Lăng mộ được xây dựng trên khu đất rộng 1988m2, khánh thành ngày 22 tháng 01 năm 1961.Về tổng thể, Lăng được thiết kế theo kiểu lăng mộ cổ,  xung quanh có thành thấp bao bọc. Cổng Lăng (tam quan) là 4 trụ vuông, phía trên thắt lại theo kiểu bầu lọ mang dáng dấp kiến trúc cổng đình, miếu cuối thế kỷ XIX. Sau cổng là sân rộng đi lên  27 bậc cấp lát đá Granit, hai bên có lan can đắp nổi hình sống trâu; sân trước Lăng, rộng 40 m2 có lan can xung quanh; từ sân vào đến nền Lăng được giật 4 bậc cấp. Nhà Lăng được thiết kế theo bình đồ hình chữ nhật, kiểu hai tầng mái, lợp ngói âm dương, bờ nóc được đắp “lưỡng long tranh châu” cách điệu. Giữa nhà Lăng là mộ phần Mai Xuân Thưởng hình khối chữ nhật theo hướng Đông - Tây; Phía đầu mộ dựng tấm Bia đá khắc bài ký ghi tiểu sử và sự nghiệp của Mai Xuân Thưởng: 

Di tích được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định xếp hạng cấp Quốc Gia ngày 20 tháng 4 năm 1995. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nhằm tôn vinh công đức Mai Xuân Thưởng - nhà yêu nước đã anh dũng hy sinh trong phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Năm 2014, UBND tỉnh Bình Định đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo khu di tích Lăng Mai Xuân Thưởng gồm các hạng mục: Trùng tu Lăng mộ; xây mới Đền thờ - sân vườn, nhà ban quản lý và hệ thống tường rào cổng ngõ… Công trình được khởi công ngày: 12/8/2014 và khánh thành ngày 07/8/2016.

Đền thờ là công trình kiến trúc theo kiểu nhà lá mái có ba gian hai chái, kết cấu bê tông cốt thép, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch men, cửa bàn pha bằng gỗ lim. Nội thất đặt 4 áng thờ: Án thờ Công đồng gia tiên được đặt phía trước từ cữa chính bước vào, dùng để thờ tiên tổ các đời của tộc họ Mai;  bên trái và bên phải phía trong của án công đồng là hai hương án, trên có đặt bài vị thờ thân phụ, thân mẫu; bài vị thờ các tướng lĩnh, nghĩa quân dưới quyền; Án thờ nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng được đặt phía trong hậu cung, phía trước án thờ có cặp liễn đối khảm trai:

Ứng nghĩa cần vương, gươm khí phách dọc ngang rền đất Việt;
Vì dân cứu quốc, chí anh hùng sau trước rợp trời Nam.

Lăng Mai Xuân thưởng là một di tích lịch sử lưu niệm danh nhân. Hàng năm, vào ngày 14 tháng 4 âm lịch, Bảo tàng Quang Trung phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ giỗ Ông, du khách từ mọi miền đất nước về tham dự rất đông và cùng thắp nén tâm hương tưởng nhớ công lao sự nghiệp của Nhà yêu nước, người con ưu tú của  quê hương Tây Sơn - Bình Định./.

2 

3

5

 

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay4,155
  • Tháng hiện tại139,150
  • Tổng lượt truy cập7,057,128
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây