Trong lịch sử, Bình Khê là quê hương của Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ - lãnh tụ phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ 18; quê hương của người anh hùng Mai Xuân Thưởng - lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp ở Bình Định vào cuối thế kỷ 19 và cũng là nơi nhậm sở của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Phó bảng Nguyễn Sinh sắc xuất thân từ gia đình nhà nho quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Học rộng tài cao, bằng ý chí và nghị lực của mình, ông đã vượt qua những khó khăn gian khổ, đỗ cử nhân năm 1894, đỗ Phó bảng năm 1901. Năm 1906 được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm chức Thừa biện Bộ lễ. Tháng 5 năm 1909 ông được cử vào Ban chấm thi Hương tại Trường thi Bình Định. Tháng 7 năm 1909 nhận chức Tri huyện Bình Khê.
Thời gian làm quan, ông vẫn giữ nếp sống giản dị, không màng danh lợi, luôn gần gũi bênh vực người nghèo, giúp đỡ người yêu nước, xử lý nghiêm khắc bọn cường hào ác bá ức hiếp dân lành và ông được nhân dân hết sức kính yêu, trí thức trong vùng trọng vọng. Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là người cha trong gia đình có ảnh hưởng lớn đến nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý chí, nghị lực phi thường, tinh thần học tập, lối sống giản dị, khiêm tốn, lòng yêu nước thương dân.
Sau năm 1911, ông vào Nam. Với tấm lòng lương y như từ mẫu, ông đã bốc thuốc chữa bệnh cứu giúp mọi người, sống thanh đạm cho đến cuối cuộc đời.
Di tích Huyện đường Bình Khê đã được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng ngày 24/02/2000. Đáp ứng nguyện vọng của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, bảo tồn và tôn tạo Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ngay trên Di tích lịch sử văn hóa Huyện đường Bình Khê – nơi cụ Nguyễn Sinh sắc đã từng sống và làm việc. Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 22/01/2014 và khánh thành ngày 23/5/2015, trên diện tích khoảng 2,7 ha, tại thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Năm 2018, Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia.
Khu lưu niệm quay về hướng về phía Tây Nam. Trung tâm là Đền thờ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, phía trước Đền thờ là Sân đón khách, Hồ sen và Cột cờ. Bên trái Đền thờ là mô hình Huyện đường Bình Khê xưa, Nhà Lưu niệm và Nhà Bia; Bên phải Đền thờ là Khu hành chính - dịch vụ, Lầu vọng cảnh,…
Đền thờ Nguyễn Sinh Sắc có diện tích xây dựng 484m2, chiều cao đỉnh mái gần 12m. Đền được xây dựng theo kiểu chồng diêm 02 tầng 08 mái, lợp ngói âm dương tráng men với 08 góc đao cong. Nội thất đặt 08 án thờ: Gian chính giữa phía trước là án thờ Công đồng; phía sau hậu cung đặt án thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc; Phía bên phải là án thờ cha (ông Nguyễn Sinh Nhậm) mẹ (bà Hà Thị Hy) và cha mẹ vợ (ông Hoàng Xuân Đường và bà Hoàng Thị Kép); Phía bên trái là án thờ vợ (bà Hoàng Thị Loan), con Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) và án thờ các con (Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Xin).
Mô hình huyện đường: Công trình được mô phỏng theo kiểu kiến trúc nhà lá mái dân gian Bình Định gồm 03 gian, 02 chái với kết cấu chịu lực bằng gỗ lim, cửa bàn pha bằng gỗ, mái lợp ngói vảy, nền lát gạch bát tràng.
Nhà Bia: Nhà bia được xây theo kiểu lầu bát giác, mái lợp ngói vảy, phía bên dưới dựng tấm bia bằng đá Granit, nội dung ghi tóm tắt thân thế, sự nghiệp Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Nhà Lưu niệm: Trưng bày những tư liệu, hiện vật giới thiệu:
- Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
- Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) với Bình Định và tình cảm của nhân dân Bình Định với Bác Hồ.
Những ngày tháng Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) ở Bình Định không nhiều nhưng là một trong những sự kiện quan trọng trong buổi thiếu thời của Bác. Người đã đến nhiều nơi, gặp nhiều người, chứng kiến cảnh nhân dân sống trong cảnh nô lệ lầm than, chứng kiến tinh thần quật cường, quả cảm của những người dân Bình Định giàu lòng yêu nước. Cũng trên mảnh đất Bình Định đau thương và kiên dũng này, đã chứng kiến cuộc gặp gỡ của hai cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành, để rồi từ đây người bước vào cuộc hành trình vạn dặm, đầy gian khổ, tìm đường cứu nước, cứu dân mà không bao giờ gặp lại người cha kính yêu, người anh thân thiết của mình.
Di tích lịch sử Huyện đường Bình Khê từ lâu đã trở thành tài sản vô giá, là niềm tự hào của nhân dân Bình Định. Việc đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc ngay trên Di tích lịch sử Huyện đường Bình Khê nhằm tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Di tích, nhắc nhớ, giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau về tấm gương Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà Nho yêu nước, mẫn cán, tận tụy vì dân, vì nước; về Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới; cổ vũ, động viên các thế hệ Việt Nam tiếp bước cha anh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Tác giả bài viết: Ban biên tập
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn