Di tích Gò lăng thuộc địa phận thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách BTQT 2 km, theo hướng Tây - Bắc. Nơi đây, với dấu tích còn lại là khu vườn và nền nhà cũ, quê hương bà Nguyễn Thị Đồng mẹ của Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, những thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào nông dân Tây Sơn vào thế kỷ XVIII. Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia 16/ 11/ 1988.
Di tích Gò Lăng có nhiều sự kiện liên quan đến Tây Sơn tam kiệt trong buổi đầu thu phục nhân tâm, xây dựng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đó là những truyền thuyết, các câu chuyện truyền miệng mà người dân địa phương thường kể cho nhau nghe bao đời nay mặc cho sự trả thù của triều Nguyễn và chiến tranh tàn phá.
Câu chuyện "Nguyễn Nhạc Vi Vương".
Chuyện kể rằng: : "Vào một đêm khuya, nhân ngày giỗ tại nhà ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng ở Gò Lăng, lúc xong việc mọi người chào nhau ra về thì ai cũng sửng sốt khi nghe tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên từ phía Hòn Sưng, thâm nghiêm, bí ẩn mà điều này xưa nay chưa từng có. Mọi người dừng lại thì thấy ánh sáng kỳ diệu tỏa sáng một vùng trên núi. Họ khích lệ nhau lên tận nơi xem cho ra lẽ. Đến nơi phát sáng, trong lúc đang ngập ngừng ngần ngại chưa ai dám tiến lên, thì từ vầng sáng bỗng xuất hiện một ông lão mặt đỏ, râu dài trắng như cước, đầu đội mũ cánh chuồn bước ra nói lớn: trong các ngươi có ai là Nguyễn Nhạc không? Ta vâng mệnh Ngọc Hoàng hạ giới lần này để ban sắc lệnh cho Nguyễn Nhạc vi vương. Khi Nguyễn Nhạc tiến lên, mọi người cuối đầu kính cẩn thì ông lão biến mất".
Hay câu chuyện : anh em Tây Sơn mỗi lần về quê ngoại thường buộc ngựa tại cây bồ đề cao to cạnh nhà ông bà Hồ Phi Phúc, nên dân trong vùng có câu:
"Nhong nhong ngựa Ông lại về
Cắt cỏ bồ đề cho ngựa Ông ăn"
Sau khi nhà Tây Sơn mất, triều Nguyễn Gia Long thực hiện chính sách trả thù rất gay gắt, nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc tại di tích đã bị san bằng và trở thành mảnh đất trống không, chỉ còn vết tích nền nhà, đá tảng kê cột vuông vức có khắc hoa văn hình hoa thị với kích cỡ mỗi bề 0,4m và nhiều mảnh gốm sứ của bát đĩa vỡ ; trên mảnh vườn cũ còn có một số cây cổ thụ: Thị, Thiên tuế…
Dưới triều Nguyễn, nhân dân Phú Lạc luôn tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền hiền, những người anh hùng của quê hương, họ đã xây dựng miếu thờ Sơn Quân (Thần Núi) gọi là miếu Cây Thị, có người gọi miếu thờ ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng tại khuôn vườn cũ của Họ và bí mật thờ cúng ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng, Tây Sơn tam kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ) vào ngày 14/11 ÂL hàng năm tại Đình làng Phú Lạc, gọi là ngày cúng Thường tân( tết cơm mới) với hình thức tưởng niệm hương hoa và mật cáo.
Năm 1999 chính quyền địa phương xây Đền thờ trên nền nhà cũ của di tích để thờ ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thi Đồng và dòng họ nội, ngoại- những tiền hiền có công khai ấp lập làng, cùng tam kiệt Tây Sơn; hằng năm vào ngày 14 tháng 11 ÂL long trọng tổ chức lễ giỗ hiệp kỵ Tây Sơn với ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy giá trị di tích; Năm 2016, được sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh Bình Định, gia đình liệt sĩ Trần Đình Châu cùng các bằng hữu, công ty cổ phần tập đoàn An Phú, đã công đức xây dựng Đền thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt với diện tích hơn 6.000m2 trên di tích Gò Lăng. Công trình được khởi công vào 23/05/2016 và khánh thành vào 31/08/2016 (nhằm ngày 29 tháng 07 Âl) nhân lễ kỷ niệm 224 năm ngày mất Hoàng Đế Quang Trung (1792 - 2016); các hạng mục công trình bao gồm: Đền thờ, Cổng nghi môn, nhà bia, bình phong, nhà sọan lễ và quản lý, am thờ, cổng phụ, sân đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh...
Đền thờ có diện tích 298m2, mặt quay về hướng Nam, xây theo kiểu kiến trúc truyền thống, nội thất đặt 3 án thờ: chính giữa là án thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt; bên phải là án thờ tổ tiên nội, ngoại; bên trái là án thờ Tây Sơn tam kiệt: Thái Đức - Nguyễn Nhạc, Quang Trung - Nguyễn Huệ và Đông Định Vương - Nguyễn Lữ; hai bên đầu hồi có giá chiêng và giá trống để phục vụ tế lễ.
Trước các án thờ có 2 câu đối:
Câu 1: Công đức lưu truyền thiên tái hậu 功 德 留 傳 千 載 後
Tinh thần tụy tụ nhất môn trung 精 神 萃 聚 一 門 中
Tạm dịch: Công đức lưu truyền mãi ngàn sau
Nguồn sáng hội tụ trong một nhà
Câu 2: Nghĩa cử sự thành địa khởi Tây Sơn khai vĩ nghiệp
義 舉 事 成 地 起 西 山 開 偉 業
Dân quy thủy tựu thiên lai Bình Định công kỳ tấu
民 歸 水 就 天 來 平 定 功 奇 奏
Tạm dịch: Việc tốt đã thành đất Tây Sơn khai mở nghiệp lớn
Người dân và xứ sở Bình Định mãi ghi công lao kỳ tích
Đền thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt điểm du lịch văn hóa tâm linh, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập, là điểm đến của mọi người với ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn. Đến với di tích, du khách thắp nén hương tưởng niệm, tri ân công đức những bậc sinh thành các thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào Tây Sơn ./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn