Hiệu quả mô hình phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt tại nguồn khối Thuận Nghĩa

Thứ ba - 09/01/2024 11:28
Thời gian qua, hoạt động phân loại rác tại nguồn được nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn của huyện Tây Sơn quan tâm thực hiện thông qua những cách làm linh hoạt, sáng tạo như: phân chia riêng biệt rác vô cơ, hữu cơ, rác tái chế, thực hiện các mô hình, dự án xử lý rác hiệu quả,... Từ đó, vừa góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, vừa biến rác thành nguồn tài nguyên quý giá.
Hiệu quả mô hình phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt tại nguồn khối Thuận Nghĩa

Tại khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã trở thành thói quen thuần thục của người dân nơi đây. Trong nhà của gần 300 hộ dân được trang bị riêng thùng chứa chất thải hữu cơ là thực phẩm dễ phân hủy như thức ăn thừa và các loại rau, củ, quả để sử dụng vào việc ủ làm phân hữu cơ. Ngoài ra, còn có thùng chứa chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế và thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt khác. Việc này được người dân khối Thuận Nghĩa thực hiện từ tháng 6.2023 khi Sở Tài nguyên và MT tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh và UBND huyện Tây Sơn triển khai mô hình “phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”. Tham gia mô hình, người dân được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cụ thể cách thức nhận biết chất thải hữu cơ; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải rắn sinh hoạt khác để phân loại ngay tại nhà. Các loại chất thải rắn sinh hoạt này sau khi phân loại được đội thu gom đưa đi xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật.
Các ngành chức năng và các hộ tham gia mô hình đánh giá hiệu quả mô hình này tại hội nghị tổng kết mới đây cho thấy: sau 06 tháng triển khai mô hình, đến nay khối lượng chất thải thực phẩm đã thu gom là 10.538kg, lượng phân sau quá trình ủ là 2.264kg, nước rỉ là 621 lít. Kết quả thí nghiệm do thành viên đội thu gom thực hiện trồng rau trên diện tích 1.000 m2 từ quá trình ủ phân cho thấy: rau cải xanh sinh trưởng phát triển tốt, đạt chiều cao 20 - 22cm, có 10 - 12 lá, ít các đối tượng sâu bệnh hại. Thời gian từ khi gieo hạt đến thu hoạch là 25 ngày (tương đương với sản xuất theo truyền thống). Rau không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học trong quá trình chăm sóc nên sản phẩm tạo ra rất an toàn cho người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Tùng - một trong những hộ dân tham gia mô hình tại khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong phấn khởi nói: Ngoài phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải thực phẩm để bón cho rau, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế cũng được Hội LHPN thị trấn Phú Phong đến nhà người dân khối Thuận Nghĩa thu gom, tập kết tại “Ngôi nhà xanh” đặt ở trụ sở Hợp tác NN Thuận Nghĩa để bán phế liệu với khối lượng gần 230 kg.
Bà Nguyễn Thị Dung - Đội trưởng Đội thu gom, xử lý chất thải thực phẩm khối Thuận Nghĩa: Từ khi thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, lượng rác thải ra môi trường hạn chế rất nhiều; tình trạng vứt rác bừa bãi cũng không còn. Đặc biệt, việc ủ chất thải hữu cơ là các loại thực phẩm dễ phân hủy theo mô hình thùng ủ đã tạo ra nguồn phân hữu cơ sử dụng an toàn, hiệu quả cho cây trồng.

2


Ông Bùi Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Phong: Cán bộ chuyên môn của địa phương và Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và MT tỉnh) thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng phân loại, xử lý” khi triển khai mô hình tại khối Thuận Nghĩa. Thời gian đầu, do thói quen nên một số người dân chưa thực hiện triệt để việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Dần dà, bà con cũng quen và tới nay đã thuần thục việc phân loại các loại chất thải. Đáng mừng hơn, người dân đã nâng cao ý thức trong giữ gìn, bảo vệ môi trường; không xả rác bừa bãi ra khu dân cư, mô hình này tiếp tục duy trì nhân rộng.
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện: Hiệu quả của mô hình “phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn” ở một số địa phương thời gian qua là bước đệm cho việc nhân rộng trong toàn huyện thời gian đến. Bởi mô hình thiết lập được mạng lưới hệ thống từ giai đoạn phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hộ dân. Xây dựng được cơ chế pháp lý rõ ràng cho các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt mang tính đặc thù từng địa phương; góp phần giảm tải khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Như vậy, có thể thấy đây là mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với phần lớn các đô thị hiện nay của các huyện: vừa có yếu tố đô thị vừa có yếu tố nông thôn nên thuận lợi trong việc thu gom và xử lý chất thải hữu cơ dễ phân hủy. Riêng tại khối phố Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong - mô hình còn có tác dụng hỗ trợ, quảng bá thêm cho nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng đối với làng rau an toàn Thuận Nghĩa. Để tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình trong thời gian tới, cần sự chung tay của các cấp, các ngành và sự đồng lòng tham gia của cả cộng đồng.
Văn Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập36
  • Hôm nay4,633
  • Tháng hiện tại139,628
  • Tổng lượt truy cập7,057,606
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây