Về Tây Sơn những tháng Tư lịch sử này có thể cảm nhận rõ sự đổi thay của quê hương hôm nay, những cánh đồng lúa xanh mượt, những con đường được nhựa hóa, bê tông hóa thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang,… là tín hiệu của sự ấm no, phồn vinh trong mỗi gia đình. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 49,46 triệu đồng/người/năm, tăng 33,66 triệu đồng so với khi bắt đầu thực hiện chương trình.
Xác định phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân là mục tiêu chính của chương trình xây dựng nông thôn mới, chính vì vậy huyện đã chú trọng công tác hướng dẫn nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh.
Là một trong những xã thực hiện khá tốt tiêu chí này, ông Nguyễn Văn Thành - Phó chủ tịch UBND xã Tây Phú: Xã đã thực hiện nhiều giải pháp để xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân; đặc biệt là công tác phối hoợ với các cấp, ngành, và các tổ chức hội đoàn thể, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho bà con nông dân; xã cũng đã xây dựng được 3 mô hình trồng bưởi, 4 mô hình trồng sả, sản phẩm dầu phộng Tân Lạc Việt (cơ sở ép dầu phộng Lạc Việt) cũng đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Bên cạnh đó, tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới cũng luôn được huyện quan tâm, coi trọng. Điều quan trọng là huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ và phát triển môi trường bền vững để tạo nên những vùng quê “đáng sống”. Ông Nguyễn Văn Nhàn ở khối Thuận Nghĩa, Thị trấn Phú Phong: Tuy công việc nhà nông bận rộn nhưng bà con vẫn dành thời gian để dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm. Gia đình ông và bà con ở khối còn tham gia mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn, ủ chất thải rắn hữu cơ thành phân sinh học, vừa giữ vệ sinh môi trường, vừa tạo ra sản phẩm rau an toàn.
Một điểm được xem là thành công của huyện trong xây dựng nông thôn mới chính là việc được đưa xã Vĩnh An - xã miền núi đặc biệt khó khăn với gần 90% người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống về đích nông thôn mới. Đồng chí Đinh Hoang Bình - Chủ tịch UBND xã Vĩnh An: Từ chương trình xây dựng nông thôn mới với rất nhiều các tiêu chí được thực hiện, Vĩnh An đã thay đổi rất nhiều, một trong số đó là việc có 283 công trình nhà vệ sinh đã được xây dựng cho bà con xã, góp phần rất lớn trong thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường,…
Vừa qua, Đoàn công tác thẩm định nông thôn mới của tỉnh đã về kiểm tra thực tế kết quả thực hiện 9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đồng chí Hồ Đắc Chương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh: Đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của huyện tây Sơn đã trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đặc biệt nhóm tiêu chí phát triển sản xuất và thu nhập đã được người dân cố gắng thực hiện đảm bảo.
Đồng chí Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện: Huyện đăng ký đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2023, hơn 12 năm qua, được Trung ương, Tỉnh quan tâm hỗ trợ, diện mạo ở huyện Tây Sơn đến nay đã thực sự đổi mới. Huyện luôn xác định, xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Phát huy tinh thần đó và truyền thống quê hương Tây Sơn anh hùng, huyện sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành huyện đạt đô thị loại IV vào năm 2024 theo kế hoạch Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra./.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn