Những kết quả nổi bật trên lĩnh vực kinh tế - xã hội trong năm 2022

Thứ hai - 13/02/2023 10:44
Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Tây Sơn diễn ra trong bối cảnh chịu tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND huyện và sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND huyện cùng với sự đồng lòng của các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện, kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục duy trì phát triển và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Doanh nghiệp may tăng ca đêm nâng cao giá trị sản xuất
Doanh nghiệp may tăng ca đêm nâng cao giá trị sản xuất

Tổng giá trị các ngành sản xuất chính  đạt 18.346 tỷ đồng, tăng 13,22% so năm 2021, cao hơn chỉ tiêu Nghị Quyết đặt ra. Trong đó nổi bật lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tổng giá trị ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 2.895 tỷ đồng, tăng 10,77% so năm 2021. Năm 2022, huyện Tây Sơn đã tập trung chỉ đạo xây dựng các phương án kế hoạch sản xuất kinh doanh thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19. Huyện tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch, tăng cường thu hút đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp và xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư hoạt động. Đôn đốt các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Nhờ vậy trong năm đã thu hút được 16 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện với tổng vốn đầu tư hơn 1.375 tỷ đồng(huyện thu hút nhiều dự án đầu tư nhất trong tỉnh), tăng vốn đăng ký đầu tư hơn 50% so với năm 2021. Tổng diện tích đăng ký đầu tư hơn 91 ha, dự kiến giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động.
Về thương mại, dịch vụ, du lịch huyện tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương, các cơ sở sản xuất kinh doạnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đi đôi với việc tăng cường khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Đến cuối năm 2022, giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ đạt trên 12.132 tỷ đồng, tăng 15,4% so vơí cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, giá trị dịch vụ, du lịch tăng mạnh so với 2021. Năm 2022, huyện đón gần 226.000 lượt khách, doanh thu trên 8,8 tỷ đồng, tăng thêm 135.820 lượt khách, doanh thu tăng thêm 5 tỷ đồng. 

2

Du khách thăm quan Khu du lịch Hầm Hô

Hầu hết các chỉ tiêu thu ngân sách đều đạt và vượt so với dự toán tỉnh giao. Đây cũng là năm đầu tiên tổng thu ngân sách của huyện vượt mức 1.000 tỷ đồng, đạt 190,6% dự toán tỉnh giao, đạt 114,9% chỉ tiêu huyện phấn đấu và tăng trên 34% so với thực hiện năm 2021. Điều quan trọng nhất trong thu ngân sách năm 2022 là thu phát sinh trên địa bàn (trừ thu tiền sử dụng đất) đã đạt được 125 tỷ đồng, tăng hơn 2021 là 20%.
Đối với xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện lãnh đạo duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt đối với xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Huyện đạt 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, xã Bình Tường đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã Vĩnh An đạt 15/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Có thêm 9 sản phẩm công nhận OCOP năm 2022.  
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, quy hoạch và phát triển đô thị được huyện quan tâm chú trọng. Kiểm tra, sửa chữa một số tuyến đường kịp thời phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Tết nguyên đán. Tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp và triển khai công trình thuộc kế hoạch năm 2022, trong đó có 56 công trình hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng,… tổng giá trị khối lượng hoàn thành trên 528,8 tỷ đồng. Lập quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch Thác Đổ, xã Vĩnh An; hoàn thành quy hoạch tỷ lệ 1/500 và chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng Khu dân cư các xã, thị trấn theo kế hoạch. Hoàn thành 9 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đối với các khu vực dự kiến phát triển thành phường; phê duyệt 22 đồ án quy hoạch chi tiết các khu dân cư mới, khu tái định cư và khu đô thị mới với diện tích 177,54 ha.
Các chính sách an sinh xã hội được chú trọng; các lĩnh vực giáo dục, khoa học, tài nguyên môi trường, cải cách hành chính được quan tâm thực hiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Đồng chí Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn: Năm 2023, mục tiêu của huyện là về đích nông thôn mới. Đây cũng là mục tiêu lớn và bao trùm. Để đạt mục tiêu trên, huyện Tây Sơn đề ra 5 giải pháp: Thứ nhất tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư nhất là kêu gọi các dự án sản xuất để tạo ra các sản phẩm và tạo ra của cải cho xã hội. Đặc biệt giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.Thứ hai tập trung khai thác các lợi thế và tiềm năng riêng có của Tây Sơn để phát triển du lịch tạo ra các sản phẩm dịch vụ để phục vụ cho du lịch, giúp tăng trưởng của ngành du lịch ngày càng bền vững. Thứ ba chúng tôi sẽ khẩn trương triển khai các dự án theo danh mục một cách tập trung, đáp ứng các tiêu chí của huyện nông thôn mới và đảm bảo sẽ đạt các tiêu chí của huyện NTM năm 2023. Thứ tư đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi sản xuất hàng hóa và mang tính cạnh tranh đối với các sản phẩm đặc trưng của Tây Sơn so với các địa phương khác. Giải pháp cuối cùng khai thác các nguồn thu để tăng thu ngân sách Nhà Nước, nhất là tăng nguồn thu để đầu tư phát triển và tạo ra dư địa làm sao tổng thu ngân sách của Tây Sơn sẽ vượt trên 1.000 tỷ và đặc biệt là thu phát sinh trên địa bàn trừ tiền đất chúng ta sẽ tăng thêm và đây sẽ là nguồn thu bền vững cho sự phát triển của huyện Tây Sơn trong thời gian đến.
Nguyệt Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay350
  • Tháng hiện tại142,009
  • Tổng lượt truy cập7,059,987
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây