Những nông dân dám nghĩ, dám làm
Một trong số đó phải kể đến ông Đỗ Đình Hòa (thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận). Nay đã ở tuổi 60, nhưng ông vẫn say mê với những nghiên cứu nhân rộng những giống nấm. Ông cho hay, năm 2007, ông bắt đầu làm nấm. Thời điểm đó, ông Hòa mua meo giống để sản xuất thành phẩm một số loại nấm ăn như nấm sò, nấm rơm, nấm mèo, nấm bào ngư sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm,... Khởi đầu, ông vấp phải trở ngại lớn nhất là không xử lý được nhiệt độ khử trùng bịch phôi nấm khiến cho các bịch nấm bị nhiễm bệnh nhiều, năng suất thấp, thậm chí có những mùa vụ thất thu lớn. Trong cái khó, ló cái khôn, ông đã sáng chế thành công thiết bị nâng nhiệt độ khử trùng bịch phôi nấm lên đến 160 độ C, nâng tỷ lệ bịch phôi nấm đạt chất lượng từ 70% lên hơn 98%, thiết bị được Bộ Nông nghiệp và PTNT trao tặng thành tích nông dân có sáng kiến, sáng chế tiêu biểu.
Không chỉ là một nhà sáng chế tài ba với những ý tưởng mới. Ông Đỗ Đình Hòa còn được biết đến là ông vua nấm với thế mạnh chính là tìm tòi, nghiên cứu, phân lập và sản xuất các giống nấm khỏe, chất lượng tốt. Ngoài việc tự tạo meo giống, sản xuất thành phẩm các loại nấm ăn, từ đầu năm 2022 đến nay, ông đã tiếp cận công nghệ cao, nuôi cấy và phân lập thành công 03 giống nấm dược liệu mới, đưa vào sản xuất. Đó là, giống nấm Linh chi GA2, nấm Vân chi đỏ và nấm Thượng hoàng,… nhằm chủ động trong sản xuất và đa dạng các loại nấm cung cấp cho thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài huyện.
Đến thời điểm hiện tại, ông đã mở rộng quy mô với 18 trang trại trồng nấm. Lãi ròng thu được là hơn 200 triệu/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động ở địa phương. Sắp đến ông sẽ được vào sản xuất các giống nấm dược liệu quý vừa được phân lập theo chuỗi. Ông đã vinh dự được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng 3; Hội Nông dân tỉnh Bình Định, Sở Khoa học và Công nghệ trao giải nhất tại Hội thi “Sáng tạo Nhà Nông” và nhiều lần được UBND cấp tỉnh trao tặng bằng khen.
Tuổi còn trẻ, nhưng anh Phan Trọng Hà (Tây Thuận) cũng khiến nhiều người phải thán phục khi lao động không biết mệt mỏi và có nhiều sáng kiến hay trong sản xuất nông nghiệp, một trong số đó phải kể đến mô hình trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ bền vững được anh bắt tay làm từ năm 2020 đến nay.
Trên diện tích 2 sào đất vườn, anh Hà trồng 1.000 gốc măng tây xanh. Để măng tây đạt chuẩn sạch, anh nghiên cứu đưa vào trồng cộng sinh với cỏ Vetiver nhằm tăng độ che phủ, tạo mùn cho măng, đồng thời tổ chức nuôi trùn quế, tạo nguồn nguyên liệu để sản xuất phân và dịch trùn quế, bón cho cây măng tây hữu cơ. Nhờ chuẩn bị kỹ, vườn măng tây xanh của anh sinh trưởng, phát triển tốt, ngọn măng to đều, xanh mướt và cho thu nhập khá. Vừa qua, anh cũng đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm viên nén phân trùn quế, đang tiến hành hoàn chỉnh các thủ tục để đưa sản phẩm ra thị trường, tạo ra sản phẩm hướng phù hợp với xu hướng nông nghiệp thân thiện môi trường,…
Bên cạnh đó, anh Hà còn là người sáng chế thành công máy thu hoạch đậu phụng và đem ra thử nghiệm ở vụ đậu phụng Đông Xuân 2022 - 2023. Xuất phát từ đam mê khoa học công nghệ và thực tiễn sản xuất ở địa phương cần một loại máy nhỏ gọn để thu hoạch diện tích đậu phụng của gia đình, trên cơ sở những kiến thức có sẵn về điện đã được học từ Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh, anh đã mày mò chế tạo thành công máy thu hoạch đậu phụng với kết cấu rất đơn giản, rộng 1 m, dài 1,6 m và cao 1,2 m, gồm 5 bộ phận chính: Khung máy làm từ tôn và sắt, bên trong là động cơ, kết nối với bánh răng để quay trục lồng, rây lọc đất được đặt phía dưới cùng; máy chạy bằng xăng. Máy có giá khoảng 4 triệu đồng, năng suất của máy đạt 150 kg quả đậu /giờ là phù hợp với hầu hết các hộ có diện tích trồng đậu vài sào. Máy tuốt đậu của anh Hà đã đạt giải 3 sáng kiến nhà nông cấp tỉnh năm 2022,…
Nhiều chính sách hỗ trợ nông dân nâng cao thu nhập
Ông Trần Duy Hòa - Chủ tịch hội Nông dân Tây Thuận: Trong 5 năm 2018 - 2023, Hội Nông dân xã Tây Thuận đã tín chấp và ủy thác với Ngân hàng CSXH cho 319 lượt hội viên vay vốn với tổng dư nợ trên 16 tỷ đồng. Để giúp các hội viên đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, hội Nông dân xã đã tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân với nhiều hình thức, thông qua nhiều chương trình, dự án; trong đó, hối hợp tổ chức 15 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác mới, ứng dụng KHKT tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi,… cho gần 6.500 lượt người, tổ chức 15 mô hình kinh tế (trồng trọt, chăn nuôi,…) thu hút hàng trăm người dân ở xã tham gia thử nghiệm, xây dựng 5 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, đậu các loại với diện tích 177,8 ha, đăng ký sàng giao dịch điện tử cho 128 hội viên. Từ số vốn vay và kiến thức kỹ thuật canh tác mới, có 46 hộ hội viên vươn lên thoát nghèo, toàn xã có 404 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn