Mô hình được triển khai từ tháng 4.2023 với 60 nông hộ ở xã Bình Hòa tham gia, tổng diện tích mô hình là 5 ha, sử dụng giống lúa VNR20; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư, phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh… Cùng với đó, tổ chức tập huấn kỹ thuật đầu vụ và giữa vụ, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hỗ trợ.
Kết quả theo dõi và so sánh các chỉ tiêu cho thấy, ruộng thuộc mô hình gieo sạ giống lúa thuần VNR20, mật độ gieo sạ 100 kg/ha (5kg/sào), giảm 20 kg/ha so với ruộng đối chứng. Tuy nhiên, lúa ở ruộng thuộc mô hình cây khỏe, đẻ nhánh mạnh và tập trung nên bông nhiều, chắc hạt hơn ruộng đối chứng. Các loài thiên địch trên ruộng thuộc mô hình luôn cao hơn ruộng ngoài mô hình gấp 2-3 lần, nhờ các loại thiên địch này đã khống chế được mật độ sâu, rầy gây hại trên ruộng lúa nên trong cả vụ ruộng mô hình ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Tổng chi phí đầu tư cho ruộng theo hướng hữu cơ là hơn 37,56 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 3,22 triệu đồng/ha. Năng suất lúa ở ruộng trong mô hình ước đạt 60,2 tạ/ha; thu nhập từ bán lúa là 60,2 triệu đồng/ha, thu nhập từ rơm rạ là 8,4 triệu đồng/ha. Lợi nhuận của ruộng trong mô hình đạt hơn 31 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 1,3 triệu đồng/ha.
Việc trình diễn mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng hữu cơ bước đầu tạo niềm tin cho nông dân và hình thành tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, sản phẩm chất lượng cao; cùng với đó, nâng cao trình độ thâm canh cây lúa của nông dân, giúp họ ý thức được tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ; canh tác tiết kiệm nước, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm an toàn có lợi cho sức khỏe con người mà về lâu dài còn góp phần cải tạo thổ nhưỡng, hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.
Võ Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn