Hiện nay, tình hình dịch bệnh động vật đang diễn biến phức tạp; dịch Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Viêm da nổi cục trâu, bò, Dịch tả heo Châu Phi vẫn đang xảy ra tại một số tỉnh trong cả nước; thời tiết thay đổi bất thường, làm suy giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi. Mặt khác, hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm trong thời gian giáp Tết Nguyên đán tăng cao là điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh và có nguy cơ tái phát dịch bệnh động vật.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nhằm kiểm soát, khống chế các loại dịch bệnh nguy hiểm; duy trì phát triển chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho vật nuôi trước, trong và sau Tết Nguyên đán theo Văn bản số 38/SNN-KHTH ngày 05/01/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND huyện đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Phòng Nông Nghiệp và PTNT huyện
- Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện, các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường công tác thông tin tuyên truyền vận động, hướng dẫn người chăn nuôi đảm bảo tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học; vận động Nhân dân phối hợp với chính quyền địa phương, thú y cơ sở trong việc phát hiện, báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh động vật để phối hợp xử lý kịp thời.
- Tham mưu UBND huyện củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ công tác và Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ, các điểm giết mổ và kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi thuộc trên địa bàn huyện.
2. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện
- Phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn để hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác tiêm phòng, quản lý chăn nuôi, giám sát dịch bệnh, tiêu độc sát trùng, phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho vật nuôi.
- Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm và điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật trên địa bàn huyện theo phân cấp quản lý để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
3. UBND các xã, thị trấn
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hướng dẫn người tiêu dùng chỉ mua sản phẩm động vật có nguồn gốc, có sự kiểm soát của cơ quan thú y.
- Tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, giám sát, cảnh báo dịch bệnh, quản lý chăn nuôi trên địa bàn; phát động và tổ chức đợt ra quân tiêu độc sát trùng trước và sau Tết Nguyên đán, tập trung khu vực công cộng, chợ mua bán gia súc, gia cầm, khu vực chăn nuôi. Tăng cường công tác theo dõi, quản lý chăn nuôi, hoạt động xuất, nhập, nuôi mới, tái đàn gia cầm thuộc địa bàn.
- Giao trách nhiệm cho Thú y xã, Trưởng thôn thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm thuộc địa bàn, nhất là bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Viêm da nổi cục trâu, bò và Dịch tả heo Châu Phi; phát hiện và báo cáo nhanh trong vòng 24 giờ các trường hợp nghi dịch cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của huyện để được phối hợp bao vây, xử lý, dập tắt kịp thời. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện phòng, chống dịch bệnh đói, rét cho vật nuôi.
4. Tiếp nhận và cấp phát thuốc sát trùng
- Giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp nhận thuốc sát trùng Benkocide từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh theo số lượng được phân bổ và tổ chức xuất cấp cho UBND các xã, thị trấn kịp thời.
- UBND các xã, thị trấn tiếp nhận thuốc sát trùng Benkocide, bảo quản, sử dụng đúng mục đích; tổ chức phát động ra quân vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi tại cơ sở chăn nuôi của gia đình, duy trì thường xuyên công tác này, nhằm góp phần tiêu diệt mầm bệnh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn