Hiện nay, lúa Đông Xuân chân cao sạ cưỡng đang giai đoạn đứng cái - làm đòng, lúa chân 2 vụ giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh - đứng cái. Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, trên đồng ruộng có một số đối tượng sâu bệnh chính đang phát sinh gây hại như: Chuột gây hại 7,5 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng ở hầu hết các xã, thị trấn, tập trung ở Bình Nghi, Tây Xuân, Tây Phú, Bình Thành, Bình Hòa, Tây Vinh, Tây An...; tỷ lệ gây hại 2 - 5%, cá biệt một số diện tích có tỷ lệ gây hại 10 - 15%; bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại rải rác trên lúa cuối đẻ nhánh - đứng cái - làm đòng ở Bình Nghi, Tây Phú, Tây An, Bình Tân, Bình Thuận,…
Dự báo trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, có một số đối tượng như: Bệnh đạo ôn, chuột, bệnh vàng lá sinh lý, rầy nâu, rầy lưng trắng trên cây lúa; sâu keo mùa thu trên cây ngô; bệnh chết ẻo trên cây lạc,... phát sinh gây hại nặng cục bộ một số vùng.
Để chủ động hạn chế tác động xấu của thời tiết và thiệt hại do sâu bệnh, chuột cắn phá gây ra, nhằm bảo vệ năng xuất, sản lượng cây trồng vụ Đông Xuân 2023 - 2024 trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện một số nội dung sau:
1. Phòng nông nghiệp và PTNT huyện
Phối hợp với Tổ chỉ đạo sản xuất trồng trọt của tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sâu bệnh, chuột gây hại cây trồng vụ Đông Xuân 2023 - 2024, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn huyện; thường xuyên giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh, chuột gây hại. Tổng hợp, báo cáo UBND huyện.
2. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện
- Chỉ đạo, phân công cán bộ kỹ thuật đứng chân địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cây trồng để thông báo, hướng dẫn các địa phương chủ động phòng, trừ đạt hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
- Tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình sinh vật gây hại và công tác chỉ đạo phòng trừ về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, UBND huyện để theo dõi, chỉ đạo.
3. Các thành viên Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và 02 Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp huyện theo nhiệm vụ và địa bàn được phân công, thường xuyên bám sát cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tích cực theo dõi, hướng dẫn nông dân thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh, chuột gây hại cây trồng vụ Đông Xuân 2023 - 2024.
4. UBND các xã, thị trấn
- Phối hợp Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra đồng ruộng, thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh, chuột trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện.
- Đối với cây trồng cạn như ngô, lạc, rau màu các loại, cần tranh thủ thời tiết nắng ráo, đất còn đủ ẩm tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, phấn đấu gieo trồng đạt diện tích kế hoạch đề ra; hướng dẫn nông dân chăm sóc, tỉa dặm, bón phân và phòng trừ sâu bệnh khi còn ở diện hẹp.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn