1. Thời gian thực hiện: Từ ngày 01/5/2024 đến ngày 31/5/2024.
2. Chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ ngành Xây dựng năm 2024 và phong trào thi đua về ATVSLĐ ngành Xây dựng năm 2024: “ Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong thi công xây dựng công trình”.
3. Tổ chức tuyên truyền, phát động người lao động tham gia hưởng ứng Tháng hành động tại trụ sở làm việc, công trình xây dựng bằng các hình thức sau
- Tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ, Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ, Thông tư số 10/2021/TT-BXD ngày 25/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2021/BXD về An toàn trong thi công xây dựng.
- Treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trong khu vực doanh nghiệp, công trường xây dựng, tuyên truyền các bài viết, thông tin nội dung về An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ cho người lao động. Nội dung băng rôn, khẩu hiệu thực hiện theo phụ lục đính kèm văn bản này.
- Tổ chức các buổi phổ biến đến toàn thể người lao động hưởng ứng Tháng Hành động. Phát động phong trào thi đua cam kết bảo đảm An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ tại doanh nghiệp và tổ chức cho các Tổ đội đăng ký đơn vị an toàn vệ sinh lao động, không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố cháy nổ.
- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng.
4. Tăng cường kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy định về an toàn lao động trong hoạt động xây dựng
- Chủ đầu tư có trách nhiệm: Tổ chức kiểm tra, đảm bảo các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng có đủ điều kiện năng lực thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành. Kiểm tra hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ của các chủ thể, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và quy định rõ trách nhiệm quản lý về ATVSLĐ theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Kịp thời khen thưởng về ATVSLĐ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc về công tác ATVSLĐ theo quy định. Thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình có người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nếu có).
- Nhà thầu thi công có trách nhiệm:
+ Thực hiện công việc theo đúng biện pháp thi công được duyệt, bố trí nhân sự có trình độ và năng lực phù hợp, có chứng chỉ đào tạo, thẻ an toàn lao động theo quy định để thực hiện các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và các công việc khác có liên quan. Biện pháp thi công phải được nhà thầu thi công xây dựng rà soát định kỳ và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của công trường.
+ Tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định chế độ chính sách về bảo hộ lao động cho người lao động như: Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, ...
+ Các biện pháp đảm bảo an toàn, nội quy về an toàn lao động phải được niêm yết công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm phải có cảnh báo đề phòng tai nạn. Tổ chức lắp các biển báo, rào chắn những khu vực nguy hiểm có nguy cơ tai nạn lao động..
+ Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo đúng quy định pháp luật; phổ biến việc sử dụng an toàn các máy móc, thiết bị. Máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định về an toàn trước khi đưa vào sử dụng, khi hoạt động phải tuân thủ quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn; bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, đảm bảo điều kiện hoạt động an toàn của thiết bị,…
5. Đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tích cực hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động ngành Xây dựng năm 2024 trên địa bàn huyện theo các nội dung nêu trên; tổng kết và báo cáo kết quả triển khai gửi về UBND huyện (thông qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện) trước ngày 20/6/2024 để tổng hợp báo cáo Sở Xây dựng đúng thời hạn quy định.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn