Tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn TNGT, nhất là TNGT do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn gây ra

Thứ hai - 10/04/2023 08:37
Để thực hiện đạt mục tiêu giảm tai nạn giao thông năm 2023 từ 5-10% trên cả 03 tiêu chí “về số vụ, số người chết, số người bị thương” so với năm 2022, ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ngày 07/4/2023 UBND huyện ban hành Văn bản số 445/UBND-NC về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn TNGT, nhất là TNGT do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn gây ra.

Trong 03 tháng đầu năm 2023, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình trật tự, an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông được kiềm chế so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, số người chết do tai nạn giao thông không giảm (xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông, làm chết 02 người; so với cùng kỳ năm 2022, không tăng không giảm số vụ, giảm 01 người bị thương); tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, trong đó, có một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Để thực hiện đạt mục tiêu giảm tai nạn giao thông năm 2023 từ 5 - 10% trên cả 03 tiêu chí “về số vụ, số người chết, số người bị thương” so với năm 2022, ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Đồng thời, thực hiện Công văn số 1014/UBND-KT ngày 28/02/2023 của UBND tỉnh Bình Định về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; Chủ tịch Ủy nhân dân huyện yêu cầu các phòng, ban, ngành, hội, đoàn thể của huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau: 
1. Thường xuyên tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Công điện số 488/CĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông; có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tập thể liên quan. Phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an nói chung, lực lượng CSGT nói riêng trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình quản lý có hành vi vi phạm về ATGT. Quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuyên truyền, vận động gia đình, người thân không sử dụng rượu, bia các chất khích thích điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
2. Công an huyện
- Chỉ đạo lực lượng CSGT tiếp tục thực hiện quyết liệt, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Điện số 05 ngày 03/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an, Kế hoạch Năm An toàn giao thông của Ban ATGT huyện về tăng cường xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”. Huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong quá trình xử lý đối với người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên thì ngoài việc xử lý theo quy định, phải thông báo đầy đủ lỗi vi phạm về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng của người vi phạm để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, làm việc với các cơ sở kinh doanh có điều kiện phát sinh vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn (các nhà hàng, quán ăn, karaoke, trung tâm tiệc cưới...) để phối hợp tuyên truyền, vận động khách chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; có biện pháp phù hợp để người đã sử dụng rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
3. Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện: Tăng cường tuyên truyền trên hệ thống phát thanh từ huyện đến cơ sở về Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và nguyên nhân, hậu quả của TNGT nói chung, TNGT do vi phạm về nồng độ cồn nói riêng nhằm nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông; nghiêm túc thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”. Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, hạ tầng số và vào các khung giờ vàng.
4. Phòng Nội vụ huyện: Phối hợp với Công an huyện để tiếp nhận thông tin các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong cơ quan Nhà nước; nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung này vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân; đồng thời kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cán bộ vi phạm và người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định.
5. Phòng Y tế huyện: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ), góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
6. Trung tâm Y tế huyện: Phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lực lượng Công an trong quá trình kiểm tra, xác định nồng độ cồn, ma túy đối với các trường hợp bị TNGT.
7. Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Tòa án nhân dân huyện: Phối hợp với Công an huyện trong việc tổ chức điều tra, truy tố, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện gây tai nạn có nồng độ cồn; người điều khiển phương tiện cản trở, chống người thi hành công vụ theo quy định; tổ chức xét xử công khai, lưu động, góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tính răn đe và phòng ngừa xã hội.
8. UBND các xã, thị trấn: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc địa phương và đề nghị Ủy ban Mặt trận, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung được nêu tại mục 1 của Văn bản này.
9. Thường trực Ban ATGT huyện: Tiếp tục theo dõi, kiểm tra các cơ quan thành viên, các phòng, ban, ngành, hội, đoàn thể huyện và các địa phương trong việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 16/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ, Công văn số 4836/UBND-KT ngày 22/8/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về việc quán triệt cán bộ, công chức, viên chức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT và tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, quá tốc độ, quá tải, quá khổ. Định kỳ tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND huyện về kết quả thực hiện.

File đính kèm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập119
  • Hôm nay4,517
  • Tháng hiện tại146,176
  • Tổng lượt truy cập7,064,154
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây