Truyền thông về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, giai đoạn 2023 - 2025

Thứ hai - 13/03/2023 15:28
Ngày 09/3/2023, Ủy ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND về truyền thông về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Tây Sơn, giai đoạn 2023 - 2025
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Mục tiêu thực hiện
- Trên cổng thông tin điện tử của UBND huyện có chuyên mục về môi trường; 100% các cơ quan truyền thanh trên địa bàn huyện có chuyên trang, chuyên mục về môi trường.
- 100% phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, những người làm công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến môi trường tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được tập huấn, cập nhật về hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
- 100% cán bộ làm công tác quản lý môi trường tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, 80% cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường.
- 100% các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn huyện thực hiện hoạt động truyền thông về môi trường thông qua việc lồng ghép nội dung liên quan vào một số môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo.
- Hàng năm, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội phấn đấu tổ chức các hoạt động truyền thông về môi trường đạt 100% ở cấp huyện và 70% ở cấp xã.
2. Nội dung tuyên truyền
a) Tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường: Các phòng, ban, ngành, hội đoàn thể của huyện và UBND các xã, thị trấn chủ động, phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo mục đích, yêu cầu của Kế hoạch; tổ chức triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị và trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền. Nội dung tuyên truyền trọng tâm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 07/04/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; các chủ trương, quy định trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện trên một số lĩnh vực cụ thể.
b) Tuyên truyền, triển khai nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường: Tuyên truyền, phổ biến và triển khai thí điểm các mô hình bảo vệ môi trường và xử lý chất thải như: Hạn chế sử dụng túi nilon, chống rác thải nhựa, tổ tự quản về môi trường tại khu vực dân cư, các mô hình về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (giảm chất thải nhựa, phân loại rác tại nguồn, xử lý chất thải hữu cơ sau phân loại…) và quản lý chất thải trong lĩnh vực nông nghiệp (thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, xử lý chất thải chăn nuôi,…). Chú trọng phát động sâu rộng phong trào “Chống rác thải nhựa”; tuyên truyền khuyến khích cộng đồng thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy; vận động người dân tuân thủ việc thu gom, bỏ rác đúng nơi quy định và đóng giá dịch vụ thu gom rác. Tuyên truyền công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cấm săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã, chim di cư; cấm hoạt động khai thác thủy sản bằng các phương pháp mang tính hủy diệt như xung điện, xiếc máy,... Triển khai các mô hình bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế; triển khai các mô hình sinh kế kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học.
c) Tuyền truyền, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông môi trường: Tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng về truyền thông môi trường cho những người làm công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến môi trường tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng tổ chức sự kiện, làm việc nhóm, thuyết trình, viết bài, tin, phóng sự về bảo vệ môi trường và các kỹ năng sử dụng một số dụng cụ, thiết bị hỗ trợ truyền thông về bảo vệ môi trường.
3. Hình thức tuyên truyền
a) Truyền thông nhân các sự kiện về môi trường: Tổ chức các hoạt động tuyền truyền hưởng ứng các sự kiện về môi trường hàng năm như Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5, Ngày Môi trường thế giới 05/6, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn,... Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ trì, hướng dẫn các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng sự kiện trên cơ sở chủ đề, nội dung yêu cầu hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bình Định và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định; các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua việc kết hợp nhiều hình thức như mittinh, diễu hành, các hội thi về môi trường, ra quân dọn vệ sinh,... huy động sự tham gia của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
b) Tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức: Tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn, chương trình tham quan thực tế,... để phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các mô hình hay về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.
c) Tổ chức các cuộc thi về bảo vệ môi trường: Tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường, thi ảnh, vẽ tranh và viết bài về đề tài về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu,... nhằm hưởng ứng các sự kiện về bảo vệ môi trường theo chủ đề. Các cuộc thi được tổ chức theo nhiều hình thức như sân khấu hóa, thi viết hoặc trắc nghiệm, thi trực tiếp hoặc trực tuyến,..
d) Tổ chức các hoạt động ra quân: Tổ chức triển khai các hoạt động ra quân hành động về bảo vệ môi trường như: Ngày thứ Bảy, ngày Chủ nhật “xanh - sạch - đẹp” trên địa bàn các xã, thị trấn định kỳ 01 lần/tháng thông qua hình thức huy động lực lượng tại các địa phương tham gia dọn dẹp vệ sinh, thu gom và kiểm kê rác thải; tổ chức khơi thông cống rãnh, nạo vét ao hồ, kênh mương, hệ thống thoát nước, trồng cây xanh, phát quang bụi rậm; trồng, chăm sóc duy trì cây xanh trên các khu đất quy hoạch công viên, khu công cộng, vườn hoa trên các tuyến đường, khu dân cư, đô thị,...; tổ chức các hoạt động đạp xe, đi bộ,… nhằm tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
e) Triển khai các mô hình về bảo vệ môi trường: Chú trọng triển khai các mô hình mới về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện như: Thu hồi, đổi chất thải nguy hại ở hộ gia đình (pin thải, bóng đèn huỳnh quang,...) lấy quà, thực hiện phân loại rác tại nguồn kết hợp tích điểm, nhận quà thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh, xử lý chất thải chăn nuôi bằng trùn quế, mô hình nhà hàng, quán ăn và các mô hình khu, điểm du lịch không dùng túi nilon,... Các cơ quan, công sở thực hiện công tác thu gom, lưu chứa và hợp đồng chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình có hiệu quả về bảo vệ môi trường như mô hình phân loại rác tại các hộ gia đình, giảm thiểu sử dụng túi nilon tại các chợ, giảm thiểu sử dụng vật dụng làm bằng nhựa sử dụng một lần tại các cơ quan, công sở,... Triển khai các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, nhóm hộ gia đình làm phân compost, mô hình tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) để làm phân bón,...
g) Đăng tin, bài trên các phương tiện truyền thông đại chúng, loa phát thanh: Thực hiện các chuyên mục, chuyên trang, tin, bài, phóng sự chuyên đề về bảo vệ môi trường và đẩy mạnh thực hiện truyền thông về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu trên hệ thống Đài truyền thanh của huyện và các xã, thị trấn.
h) Truyền thông trên mạng: Xây dựng các chuyên mục, đăng tin, bài, hình ảnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cổng thông tin điện tử của UBND huyện. Tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, chính sách của của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook,...) chính thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
i) Tuyên truyền trực quan: Truyền thông về bảo vệ môi trường thông qua các phương tiện trực quan như: Phát tờ rơi, treo băng rôn, áp phích, lắp đặt các pano, bảng điện tử tại các khu vực công cộng tập trung đông dân cư với nội dung tuyên truyền hưởng ứng các sự kiện về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu,...
4. Nhiệm vụ và giải pháp
a) Ban hành chương trình, kế hoạch truyền thông: Các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội của huyện xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu giai đoạn 2023 - 2025 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và địa bàn. Thực hiện lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này với các chương trình, kế hoạch truyền thông, tuyên truyền khác có liên quan để triển khai có hiệu quả Kế hoạch.
b) Thực hiện đổi mới, đa dạng hóa hình thức và nội dung truyền thông về môi trường: Các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu, áp dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền khác nhau để tránh đơn điệu; khuyến khích áp dụng đồng thời nhiều hình thức truyền thông và mỗi hình thức cần nghiên cứu đổi mới để tăng hiệu quả truyền thông. Xây dựng, thiết kế nội dung, thông điệp truyền thông, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; lưu ý khu vực và đối tượng đặc thù như vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số.
c) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về môi trường: Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông về môi trường trên địa bàn huyện; nâng cao năng lực truyền thông môi trường cho các cơ quan truyền thông đại chúng, cơ quan quản lý văn hóa cấp huyện, xã. Chú trọng công tác tập huấn phổ biến kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông về môi trường cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý môi trường trên địa bàn huyện. Các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phổ biến hệ thống tài liệu tuyên truyền môi trường thống nhất về nội dung, đa dạng về hình thức, phù hợp với yêu cầu về công tác quản lý môi trường trên địa bàn huyện.
d) Chuyển đổi số đối với hoạt động truyền thông: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các hoạt động truyền thông nhằm lan tỏa rộng rãi thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông. Thực hiện chuyển đổi số đối với nội dung và phương thức truyền thông, số hóa các tư liệu tuyên truyền, sản xuất các sản phẩm truyền hình, truyền thông hiện đại, đa nền tảng và phổ biến rộng rãi để cộng đồng có thể tiếp cận và tương tác mọi lúc, mọi nơi thông qua mạng Internet.
đ) Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động được mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội tham gia vào công tác truyền thông về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu: Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị bao gồm các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia công tác truyền thông về bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng, hội đoàn thể và cộng đồng, người có uy tín trong cộng đồng trong công tác truyền thông về bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng vai trò của lực lượng phụ nữ và thanh niên. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động truyền thông.
e) Khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân và ngăn chặn, xử lý thông tin sai lệch: Các cơ quan, đơn vị và địa phương kịp thời tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo vệ môi trường và trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch. Nhận diện và tuyên truyền phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc về việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện; kịp thời xử lý những tổ chức, cá nhân có quan điểm, hoạt động, hành vi trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.
g) Kiểm tra, giám sát và tăng cường phối hợp trong hoạt động truyền thông: Thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch và định kỳ đánh giá kết quả thực hiện. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện các hoạt động truyền thông môi trường thông qua việc ban hành và thực hiện các quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp.
5. Nguồn lực thực hiện: Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị tham gia công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường; đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, cộng đồng tham gia.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập62
  • Hôm nay6,700
  • Tháng hiện tại148,359
  • Tổng lượt truy cập7,066,337
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây