Theo thống kê của Sở Y tế Bình Định từ ngày 01/01/2023 - 22/02/2023 trên địa bàn tỉnh Bình Định ghi nhận 560 ca bệnh sốt xuất huyết, tại huyện Tây Sơn ghi nhận 68 trường hợp mắc. Dự kiến trong thời gian tới tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do số ca mắc mới ở mức cao ngay từ đầu năm và điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Trung tâm Y tế huyện, UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. UBND các xã, thị trấn
- Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết, sử dụng nhiều hình thức, kênh truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận thông tin của người dân, trong đó tập trung vào các thông tin, hướng dẫn các triệu chứng nhận biết sớm mắc bệnh để người dân chủ động tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế, các thông tin, khuyến cáo về phòng, chống dịch như vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phòng chống muỗi đốt... và các nội dung chi tiết, cụ thể về hoạt động xử lý dịch tại các khu vực có ca bệnh, ổ dịch (thông báo khu vực có dịch, thông báo lịch triển khai các hoạt động xử lý dịch và các hoạt động người dân cần phối hợp để triển khai công tác xử lý dịch...).
- Huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương phối hợp với ngành y tế triển khai thực hiện có hiệu quả công tác diệt lăng quăng/bọ gậy. Đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành tiêu diệt bọ gậy phù hợp với mỗi loại vật chứa. Huy động các hộ gia đình thường xuyên duy trì hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy hàng tuần tại gia đình và cộng đồng.
- Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại 100% các hộ gia đình trong khu vực ổ dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quản lý, không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
- Bố trí kinh phí của địa phương để tổ chức triển khai các chiến dịch xử lý chủ động và xử lý ổ dịch phòng, chống sốt xuất huyết.
2. Phòng Y tế huyện: Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện theo dõi tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết kịp thời tham mưu UBND huyện chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện.
3. Trung tâm Y tế huyện
- Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức phù hợp với thực tế nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng và huy động cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Vận động người dân thực hiện tự loại bỏ các ổ chứa lăng quăng/bọ gậy tại hộ gia đình.
- Tăng cường phối hợp với Phòng Y tế huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các Trường THPT trên địa bàn huyện trong việc huy động sự tham gia của các trường học trên địa bàn đối với công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Trong đó, tập trung vào việc truyền thông, hướng dẫn và khuyến khích các em học sinh, phụ huynh và giáo viên thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Mắc màn khi ngủ, hướng dẫn diệt muỗi, lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng để diệt lăng quăng, bọ gậy; dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rảnh quanh khu vực nhà ở…
- Chỉ đạo Khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS tăng cường giám sát ca bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở khám chữa bệnh để ghi nhận bệnh nhân mắc mới, phát hiện những ca mắc tại cộng đồng; thực hiện giám sát, điều tra các ổ dịch cũ, các vùng nguy cơ; xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài; có kế hoạch diệt lăng quăng, bọ gậy và phun thuốc chủ động phòng, chống sốt xuất huyết ở các xã, thị trấn có nguy cơ cao.
- Chỉ đạo các trạm y tế chủ động tham mưu cho UBND xã, thị trấn trong việc huy động sự tham gia tích cực của các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội tại địa phương để triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy đạt hiệu quả; đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy kịp thời.
- Tăng cường cung cấp các thông tin về tình hình dịch bệnh và nội dung công tác phòng, chống sốt xuất huyết để các cơ quan, đơn vị, địa phương, các hội đoàn thể phối hợp tổ chức tuyên truyền.
- Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để được hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật trong việc tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi xử lý ổ dịch.
4. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện và Đài truyền thanh các địa phương: Phối hợp với ngành y tế tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để người dân hiểu được nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước, đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.
5. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các trường THPT trên địa bàn huyện và Trung tâm GDNN - GDTX huyện: Chỉ đạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong nhà trường, đặc biệt là truyền thông hướng dẫn các em học sinh tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng tại trường học, cộng đồng, rửa tay bằng xà phòng và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các hội, đoàn thể huyện: Phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn vận động hội viên, đoàn viên tham gia tích cực; tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết theo hướng dẫn của ngành y tế.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn