Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024)

Thứ tư - 14/02/2024 10:36
Tối ngày 13/2/2024 (mùng 4 Tết), tại Bảo tàng Quang Trung; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam tỉnh Bình Định long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024).
Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024)

Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, hướng về cội nguồn, tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các văn thần, võ tướng nhà Tây Sơn đã lập nên những chiến công hiển hách, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi thiêng liêng của đất nước.
Trong diễn văn kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định nêu rõ: Mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, đã lập lên một kỳ tích vẻ vang, phá tan tuyến phòng thủ của quân Thanh và cùng cánh quân phía Tây Nam mở toang cửa tiến vào kinh thành Thăng Long, xóa bỏ ách đô hộ của quân xâm lược nhà Thanh và chế độ phong kiến cuối thế kỷ XVIII, thống nhất giang sơn, giành nền độc lập, đem lại cuộc sống yên bình cho dân tộc. Nổi bật trong chiến công chung đó là trận hành quân thần tốc đại phá đồn Ngọc Hồi, cứ điểm phòng ngự quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng thủ của Tôn Sĩ Nghị và quân Thanh. Đồn Ngọc Hồi của quân Thanh (nay là xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) được xây dựng khoảng tháng Chạp năm Mậu Thân (1788) trên cánh đồng phía Nam, cách kinh thành Thăng Long 14km, có vị trí trọng yếu: khống chế con đường Thiên lý, ngăn chặn cuộc tiến công của quân Tây Sơn từ Tam Điệp ra, bảo vệ cửa ngõ phía Nam thành Thăng Long. Tại đồn Ngọc Hồi, quân địch cho đắp lũy đất cao, phía ngoài bố trí một bãi chướng ngại vật khá phức tạp và nguy hiểm, chúng cắm chông sắt, làm cạm bẫy và đặc biệt là đặt hệ thống địa lôi. Sức phòng thủ mạnh và kiên cố của đồn lũy này là kết hợp chặt chẽ giữa chướng ngại vật, chiến lũy với lực lượng rất mạnh và hỏa lực lớn. Đồn có trên dưới 3 vạn quân tinh nhuệ (lấy từ đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị) thành phần bao gồm kỵ binh và tượng binh, quân lính được huấn luyện và trang bị tốt. Với khí thế tấn công thần tốc, đánh tiêu diệt nhanh bằng sức mạnh áp đảo, đêm mùng 4, rạng sáng ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu, đội quân Tây Sơn tấn công đồn Ngọc Hồi dưới sự đốc chiến trực tiếp của vua Quang Trung. Bộ binh, kỵ binh và tượng binh của ta ào ạt xông vào đồn địch. Thế xung trận của quân Tây Sơn mạnh như triều dâng bão cuốn, chính quân địch đã phải thừa nhận: “Quân giặc (tức quân Tây Sơn) hợp lại đông như kiến cỏ, thế lên ào ạt như nước thủy triều dâng lên”. Trước sự tấn công vũ bão của quân Tây Sơn, quân Thanh không chống cự nổi phải bỏ chạy tán loạn, số tàn quân sống sót bị dồn về đầm Mực, cánh đồng thuộc xã Vĩnh Quỳnh, gần Ngọc Hồi ngày nay. Mô tả trận đánh này, tác phẩm Hoàng Lê Nhất thống chí chép: “Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết… Thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại”.
Trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa là mồ chôn quân Thanh, khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn, đặc biệt là tài cầm quân của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Chiến công hiển hách này mãi là bản hùng ca bất tử trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Chiến thắng Ngọc Hồi đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Thanh xâm lược, mở toang cửa ngõ phía Nam Thăng Long cùng các cánh quân khác,… ào ạt tiến vào Thăng Long khiến Tôn Sĩ Nghị phải chui vào ống đồng tháo chạy về nước. Tướng Sầm Nghi Đống phải tự tử. Hoàng đế Quang Trung dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào Thăng Long trong niềm hân hoan vui sướng của toàn thể nhân dân. Đồng thời có ý nghĩa quyết định trong việc giải phóng Thăng Long. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vang dậy non sông cách đây đã 235 năm nhưng mỗi mùa xuân đến, nhiều thế hệ người dân Việt Nam vẫn bồi hồi nhớ lại chiến công thần tốc năm ấy dưới sự chỉ huy tài ba của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.  Chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt và của mỗi người dân Thủ đô văn hiến. Bởi đó là sự kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là chiến thắng của đạo lý chính nghĩa thắng phi nghĩa, là chiến thắng của trí tuệ dân tộc, của nghĩa quân Tây Sơn, đứng đầu là anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Đến nay, Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt tiếp tục được quy hoạch mở rộng khuôn viên, đầu tư xây dựng, tôn tạo thêm nhiều hạng mục công trình như: Mở rộng, nâng cấp nhà trưng bày Bảo tàng; cải tạo, nâng cấp nhà tiếp khách, nhà làm việc; thi công xây dựng mở rộng Khu Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt; xây dựng mới nhà căn tin - bán hàng lưu niệm; tôn tạo sân đường hành lễ, bờ kè, lát đá quanh bờ hồ cảnh, cầu cảnh và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật; đồng thời, nhiều tư liệu, hiện vật quý hiếm thời Tây Sơn đã được sưu tầm, gìn giữ và trưng bày tại nơi đây. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh kêu gọi Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh tăng cường đoàn kết, đồng tâm nhất trí, đổi mới trong cách nghĩ, quyết liệt trong cách làm, phấn đấu xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung như Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

2


Tiếp đó, là Chương trình nghệ thuật chào mừng 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa với chủ đề “Hào khí Tây Sơn”, thời lượng 90 phút do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp UBND huyện Tây Sơn thực hiện, đã quy tụ hơn 400 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên đến từ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Bảo tàng Quang Trung, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; cùng học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, Trường THPT Quang Trung (huyện Tây Sơn) tham gia biểu diễn. Mở đầu chương trình là phần biểu diễn Trống trận Tây Sơn, múa cờ hội, biểu diễn võ cổ truyền, hát múa Hào khí Tây Sơn. Nội dung chương trình gồm 3 phần: Phần 1 - Tây Sơn tụ nghĩa; phần 2 - Ngọc Hồi - Đống Đa, bản hùng ca bất tử; phần 3 - Viết tiếp bản hùng ca. Xuyên suốt chương trình có nhiều phân cảnh tái hiện lịch sử nước ta vào thế kỷ XVIII với nhiều biến loạn; ở Đàng Ngoài họ Mạc lập giang sơn riêng, Chúa Trịnh lấn át Vua Lê; ở Đàng Trong, Chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, trăm họ rơi vào cảnh lầm than. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra khắp nơi nhưng không thành công. Năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Tây Sơn Tam Kiệt ở ấp Tây Sơn được đông đảo tầng lớp nhân dân, anh hùng hào kiệt, sĩ phu yêu nước hưởng ứng, phát triển rộng lớn trên quy mô cả nước, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Lợi dụng hành động “rước voi về giày mồ” của Lê Chiêu Thống, 29 vạn quân Thanh tràn sang xâm chiếm nước ta. Trước tình hình thù trong, giặc ngoài, nhận thấy nguy cơ xâm lược từ giặc phương Bắc, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, nhanh chóng tiến quân ra Bắc. Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (tức 15.1.1789), đại quân của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ ra đến Tam Điệp, rồi Ninh Bình. Đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn tấn công và tiêu diệt giặc Thanh ở đồn tiền phương Gián Khẩu. Đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn tiến về đánh chiếm Khương Thượng, mở đường từ Ngọc Hồi tiến thẳng vào Thăng Long. Chỉ trong 5 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, tướng giặc là Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy, quân giặc tan rã. Trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ dẫn quân vào kinh thành Thăng Long trong sự hân hoan đón chào của nhân dân.
Phát huy “Hào khí Tây Sơn”, Đảng bộ, chính quyền, quân dân Bình Định phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng và phát triển tỉnh Bình Định toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.

3


Kết thúc chương trình là màn bắn pháo hoa tầm thấp chào mừng Lễ hội, đón chào năm mới Giáp Thìn 2022 với thời lượng 15 phút.
Tín Trọng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LỜI CHÀO MỪNG
Lời chào mừng
Liên kết Web
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay5,033
  • Tháng hiện tại140,028
  • Tổng lượt truy cập7,058,006
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây