Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn khoa học kỹ thuật đầu vụ và giữa vụ, được hỗ trợ 20.000 đồng kg lúa giống; tiền giống và phân bón trả vào cuối vụ thu hoạch.
Qua gần 3 tháng sản xuất, giống lúa TĐ25 thể hiện những ưu điểm vượt trội. Ông Trần Đình Hiến, tham gia 8 sào lúa trong mô hình cho biết, lúa TĐ25 có mức đầu tư phân bón ít; khả năng kháng bệnh cao, hầu như không nhiễm sâu bệnh, kể cả đạo ôn và rầy nâu; sinh trưởng nhanh và cho năng suất cao. Lần đầu tiên làm giống này nhưng tôi rất thích. Còn ông Trần Văn Tâm (thôn Tiên Thuận) cho biết: Lúa sau thu hoạch được công ty thu mua tươi tại ruộng, không cần phải phơi hong, rất thuận lợi cho người dân
Mô hình liên kết được sản xuất tập trung hàng hóa theo yêu cầu của doanh nghiệp. Trong mô hình này, để sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn lúa giống, yêu cầu hộ dân tham gia phải tuân thủ quy trình kỹ thuật và giám sát kỹ thuật của công ty thu mua sản phẩm. Lúa trong mô hình sẽ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, loại bỏ được các yếu tố độc hại với con người, không để lại tồn dư hóa chất trong nông sản. Hướng đi này không những giúp tăng giá trị sản xuất mà còn thay đổi cách làm cũ của người dân, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên và sức khỏe con người.
TĐ25 là giống lúa do viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nghiên cứu chọn tạo; là giống có chất lượng tốt, năng suất cao, gạo ngon, đậm vị. Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc công ty Giống cây trồng Bình Định cho biết, ngoài việc kiểm nghiệm và sản xuất thử trước khi đưa giống TĐ 25 đến đồng ruộng cho bà con sản xuất; công ty có hợp đồng ký kết với nông dân ngay từ đầu vụ để tạo mối quan hệ bền vững. Theo ông, qua quá trình sản xuất, các hộ dân trong mô hình cơ bản tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật được hướng dẫn; công ty thực hiện thu mua toàn bộ lúa trong mô hình theo cam kết.
Ông Huỳnh Văn Cư, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ tổng hợp Tây Thuận cho biết, TĐ25 cho năng suất trên 90 tạ/ha, cao hơn khoảng 14 tạ/ha so với các giống lúa khác sản xuất cùng vụ trên cùng chân đất, mang lại thu nhập cao hơn cho hộ dân. Việc liên kết chuỗi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân nói chung và thành viên HTX nói riêng trong ổn định đầu ra sản phẩm. Từ thành công của mô hình này, HTX sẽ xem xét để mở rộng liên kết trong sản xuất lúa và các loại cây trồng cạn khác ở địa phương như ớt, đậu phụng,...
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn