Thành quả từ sự đồng thuận
Đầu năm 2023, trong số 14 xã của huyện Tây Sơn, chỉ duy nhất Bình Tường đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Trong đó xã miền núi Vĩnh An chỉ mới đạt 11/19 tiêu chí, không chỉ vậy Vĩnh An còn “nợ” nhiều tiêu chí khó thực hiện thuộc các lĩnh vực: Trường học, y tế, tỷ lệ hộ nghèo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiếu thốn…
Với quyết tâm chính trị cao, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chủ động, kịp thời ban hành các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, đặc biệt là Chương trình hành động “Xây dựng huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023”. Bà Lê Bình Thanh, Bí thư Huyện ủy Tây Sơn, chia sẻ: Trong quá trình tổ chức thực hiện, cấp ủy, người đứng đầu đã tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện với lộ trình, giải pháp phù hợp về xây dựng NTM; phối hợp tổ chức hội nghị quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh; triển khai kế hoạch của UBND huyện, Ban chỉ đạo huyện đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân cùng chung tay tham gia thực hiện. Các cấp, ngành thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn rà soát, đánh giá hiện trạng theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM và đề ra giải pháp sát với từng tiêu chí, từng địa phương. Định kỳ tổ chức các cuộc họp giao ban tuần, tháng, quý, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết hằng năm, giai đoạn, để đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình.
|
Những con đường mới, khang trang ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Ảnh: MINH NGỌC
Từ những nỗ lực đó, cuối năm 2023, 14 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, riêng xã Bình Tường, Tây Phú đạt chuẩn NTM nâng cao. Thị trấn Phú Phong đạt đô thị văn minh.
Thành công nổi bật nhất của huyện Tây Sơn là đưa Vĩnh An, xã miền núi đặc biệt khó khăn với gần 90% dân số là người dân tộc thiểu số về đích NTM. Ông Đinh Hoang Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, cho biết: Từ chương trình xây dựng NTM, Vĩnh An đã thay đổi rất nhiều, một trong số đó là có 283 công trình nhà vệ sinh được xây dựng cho bà con, góp phần rất lớn trong thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường; được huyện tích cực hỗ trợ, huy động được nhiều nguồn lực xã hội hỗ trợ, nhờ đó xã đã làm được một số công trình trường học, đường giao thông khang trang…
Bộ mặt nông thôn thay đổi
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Tây Sơn đã triển khai là tập trung phát triển hạ tầng, lồng ghép với phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, công nghệ cao ứng dụng các tiến bộ KHKT. Tổng kinh phí huy động xây dựng hạ tầng giao thông từ năm 2011 - 2023 là trên 1.476 tỷ đồng, với hơn 109 km tuyến đường trên địa bàn 14 xã đã được cứng hóa bằng bê tông xi măng hoặc bê tông nhựa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện.
Các hội, đoàn thể ở huyện Tây Sơn chung tay cùng người dân dọn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh tại đường làng, công viên, khu công cộng. Ảnh: HẢI YẾN
Nhìn chung, tất cả các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện đều được bảo trì, duy tu thường xuyên, đảm bảo các quy định về kết cấu đường, ATGT; các tuyến đường xã, đường thôn đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối với trung tâm hành chính xã trên địa bàn. Các xã thường xuyên phát động người dân, các hội, đoàn thể tham gia phong trào vệ sinh môi trường các tuyến đường; vận động người dân xây dựng nhà không vi phạm hành lang an toàn giao thông; nhiều tuyến đường được người dân kéo điện thắp sáng, trồng cây xanh, trồng hoa tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, chia sẻ: Bộ mặt nông thôn mới từng bước đổi mới, cảnh quan môi trường được chỉnh trang theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp; kết cấu hạ tầng KT-XH ngày càng hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nhiều mô hình sản xuất mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, thu nhập người dân từng bước được nâng lên.
Nhờ tích cực thực hiện nhiều giải pháp xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, xã Tây Phú đã khá lên trông thấy, đặc biệt các động lực khiến đời sống người dân khá lên đều có tính bền vững. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú, cho hay: Cùng với việc hỗ trợ để bà con xác định lối di phù hợp, tiếp cận các nguồn tín dụng, chúng tôi còn phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt và chăn nuôi cho bà con nông dân. Xã cũng đã xây dựng được 3 mô hình trồng bưởi, 4 mô hình trồng đậu phụng, sản xuất dầu phộng Tân Lạc Việt và sản phẩm này của cơ sở ép dầu phộng Lạc Việt đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Người dân khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong có thu nhập khá nhờ làm rau an toàn VietGAP. Ảnh: HẢI YẾN
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện Tây Sơn đạt 49,46 triệu đồng/người/năm, tăng 33,66 triệu đồng so với năm 2011. Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận xét, đoàn kiểm tra của tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của huyện Tây Sơn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đặc biệt là nhóm tiêu chí phát triển sản xuất và thu nhập đã được người dân cố gắng thực hiện đảm bảo.
***
Về Tây Sơn hôm nay, trên khắp các nẻo đường quê, không hiếm những ngôi nhà cao tầng khang trang, những khu chợ tấp nập cảnh buôn bán; những cánh đồng chuyên canh xanh mướt, những trang trại chăn nuôi gia súc lớn…. Sự đổi thay đó có được từ thành quả của Chương trình xây dựng NTM mà người thụ hưởng trực tiếp chính là người dân…
HẢI YẾN - ĐINH NGỌC
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn