Xã Bình Thuận được xem là thủ phủ đậu phụng của huyện với diện tích sản xuất vụ Đông Xuân năm nay hơn 831,4 ha, chiếm hơn 46% diện tích đậu phụng của toàn huyện. Nhờ chân đất phù hợp, nguồn nước tưới dồi dào nên năng suất đậu của Bình Thuận luôn cao hơn so với bình quân năng suất đậu toàn huyện.
Thu hoạch gần xong 22 sào đậu phụng của gia đình, ông Lê Văn Khoa (thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận) cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, cộng với việc ông áp dụng tốt các KHKT từ các lớp tập huấn của xã tổ chức, đặc biệt là việc sử dụng chế phẩm Trichoderma để sản xuất phân bón hữu cơ vừa giảm được chi phí đầu tư vừa nâng cao chất lượng cho hạt đậu phụng, do đó ruộng đậu của gia đình đạt năng suất đạt khá cao, bình quân khoảng 2,8 tạ/ sào. Gia đình thu hoạch đến đâu, phơi bán đến đó; giá bán khá ổn định, khoảng 25.500 đồng/ kg đậu khô
Nhằm giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cho hạt đậu phụng đầu vụ, ngay đầu vụ, xã Bình Thuận đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 6 lớp tập huấn KHKT, chú trọng hướng dẫn người dân về quy trình trồng đậu phụng áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm, quản lý sâu bệnh hại,… Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết, năng suất đậu phụng vụ Đông Xuân năm nay ở xã bình quân khoảng 46,9 tạ/ ha - tương đương khoảng 2 tạ - 2,8 tạ/ sào (cao hơn 3,9 tạ/ ha so với vụ ĐX năm trước, cao hơn 6,9 tạ/ha so với năng suất đậu bình quân toàn huyện). Từ đầu vụ đến nay,bà con tiêu thụ khá dễ dàng với giá từ 25.000 đồng - 26.000 đồng/ kg. Tùy theo chân đất tốt, xấu và kỹ thuật thâm canh của người dân, người dân có thu nhập từ 40 triệu đồng - 45 triệu đồng/ha .
Không chỉ mang lại thu nhập cao cho người trồng đậu, vụ thu hoạch đậu còn tạo việc làm cho nhiều lao động tham gia nhổ đậu. Bà Nguyễn Thị Ánh, người dân xã Tây Bình cho biết, sau khi thu hoạch và bán xong 2 sào đậu của gia đình, bà và các chị em ở địa phương thường kiếm thêm thu nhập từ việc nhổ đậu cho các chủ ruộng có diện tích đậu lớn, thu nhập mỗi ngày từ 200.000 - 250.000 đồng. Mỗi vụ đậu, chị em có việc làm thường xuyên khoảng 1,5 tháng.
Theo thống kê, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, huyện Tây Sơn đưa vào sản xuất hơn hơn 1.805 ha đậu phụng, tăng 83,1 ha so cùng kỳ; năng suất ước đạt 40 tạ/ha; sản lượng trên 7.530 tấn, tăng hơn 652 tấn so cùng kỳ. Để giúp người dân yên tâm sản xuất cây đậu phụng, những năm qua, ngoài vốn, huyện Tây Sơn đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật, công nghệ tưới tiết kiệm, giống mới, chế phẩm sinh học,..
Ông Lê Hà An, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, chúng tôi đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả như: mô hình liên kết sản xuất đậu phụng theo chuỗi, mô hình đưa cơ giới hóa (máy trỉa đậu phụng, máy phun đậu phụng),… Địa bàn huyện nay có đến cả trăm máy phun đậu phụng, chỉ tính riêng Bình Thuận đã có 97 máy, giúp bà con giảm chi phí nhân công. Bên cạnh đó, chúng tôi còn hỗ trợ các cơ sở đăng ký sản phẩm dầu phụng đạt sản phẩm OCOP và áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Hiện có sản phẩm dầu phụng Thượng Giang - HTX Thượng Giang (xã Tây Giang), dầu phụng Thành Mười - cơ sở sản xuất Thành Mười (xã Bình Thuận), Dầu phụng Tân Lạc Việt - Cơ sở ép dầu phộng Lạc Việt (xã Tây Phú),… đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Từ việc đầu ra đã rõ ràng, bà con mạnh dạn tăng diện tích sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn