Mục đích: Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 4480/QĐ-UBND ngày 10/11/2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 27-KH/HU ngày 23/9/2021 của Huyện ủy thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị có liên quan, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng đào tạo nghề của huyện gắn với nhu cầu thị trường lao động. Định hướng cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn huyện về công tác tuyển sinh, đào tạo trong giai đoạn tới. Có kế hoạch đầu tư, chuẩn bị các điều kiện cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo đáp ứng cơ bản về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; chất lượng đào tạo một số ngành nghề đạt cấp độ quốc gia. Phát triển, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Yêu cầu: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo có năng lực hành nghề, có đạo đức, sức khỏe làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hòa nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp của người lao động. Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần sự tham gia của Nhà nước. Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu của thị trường lao động và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chú trọng đào tạo thường xuyên, đào tạo cập nhật, đào tạo lại và đào tạo tại doanh nghiệp để phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, duy trì việc làm bền vững cho người lao động.
Chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp: Giai đoạn 2021 - 2025, tuyển sinh, đào tạo mới, đào tạo lại khoảng 2.000 người (đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên), góp phần nâng tỷ lệ qua đào tạo đạt 75%. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 85% (gồm làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp và tự tạo việc làm tại gia đình). Tập trung đào tạo các ngành, nghề thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn của huyện; các ngành, nghề thị trường lao động có nhu cầu và các ngành, nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại cụ thể: Kỹ thuật chế biến món ăn; Kỹ thuật hàn; May công nghiệp; Điện dân dụng; Sửa chữa máy nông nghiệp; Sửa chữa xe máy; Nghiệp vụ nhà hàng; Nghiệp vụ lưu trú; Kỹ thuật xây dựng; Sản xuất hàng mây tre đan (đan nhựa giả mây). Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; Nuôi và phòng trị bệnh cho gà; Trồng cây có múi; Trồng và nhân giống nấm; Quản lý dịch hại tổng hợp. Trên địa bàn huyện có 01 cơ sở GDNN (Trung tâm GDNN - GDTX) đủ điều kiện, tiêu chuẩn cả về quy mô và chất lượng đào tạo; đồng thời đẩy mạnh khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực đào tạo nghề.
Chỉ tiêu về giáo dục thường xuyên Đến năm 2025: Trung tâm giáo dục thường xuyên đạt chuẩn cơ sở vật chất theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thiết bị dạy học theo quy định tại Thông tư số 39/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đẩy mạnh hướng nghiệp và phân luồng giáo dục phổ thông: Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng.
UBND huyện để ra 10 nhiệm vụ và giải pháp trong công tác giáo dục nghề nghiệp
1. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện và nhu cầu của thị trường lao động. Đa dạng hóa các hình thức, các phương pháp đào tạo nghề phù hợp với đối tượng người học và yêu cầu sản xuất; chú trọng phân luồng học sinh; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
2. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các phòng, ban, ngành, các địa phương trong huyện với Trung tâm GDNN - GDTX huyện và các doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp để người lao động và toàn xã hội nhận thức đúng đắn về học nghề, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn; đẩy mạnh thu hút người lao động nhất là thanh niên tham gia học nghề đối với những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, khắc phục tình trạng thiếu thợ có tay nghề, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao ở địa phương và thị trường lao động.
3. Làm tốt công tác dự báo, định hướng phát triển ngành nghề mũi nhọn, bổ sung kịp thời danh mục nghề đào tạo mới mà thị trường lao động có nhu cầu; huy động nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển Trung tâm GDNN - GDTX huyện có chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; mở rộng thực hiện cơ chế đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo.
4. Đầu tư kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ cơ sở vật chất; chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo và chức danh lãnh đạo quản lý giáo dục nghề nghiệp; phát triển đội ngũ giáo viên và chương trình đào tạo nghề; bồi dưỡng giáo viên, viên chức quản lý giáo dục nghề nghiệp; rà soát, bổ sung danh mục nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp để kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục những sai phạm trong công tác đào tạo nghề.
6. Trung tâm GDNN - GDTX huyện thực hiện đảm bảo các định mức kinh tế - kỹ thuật cấp cơ sở trong đào tạo, tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo đúng quy định tại Thông tư số 07/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực GDNN.
7. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp đối với đội ngũ công nhân, người lao động. Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo hướng gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề đối với một số lĩnh vực theo định hướng phát triển của huyện như: Du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật công nghệ,…và phục vụ lao động xuất khẩu. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trong giai đoạn 2021 - 2025: Tập trung đào tạo đối với lao động làm nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; lao động làm việc trong các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân; lao động là người thuộc diện chính sách ưu đãi người có công cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, phụ nữ. Các ngành nghề đào tạo để phát triển công nghiệp phụ trợ, đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp, làng nghề; đào tạo nghề cho LĐNT vào làm việc tại khu, cụm công nghiệp và các dự án đầu tư. Xây dựng cơ chế, chính sách để tạo sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với người sử dụng lao động, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động.
8. Thực hiện công tác kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp: Xây dựng đội ngũ kiểm định viên chất lượng GDNN thực hiện tốt hoạt động kiểm định trong cơ sở GDNN; hàng năm cử cán bộ, giáo viên của Trung tâm GDNN - GDTX huyện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kiểm định chất lượng do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức. Trung tâm GDNN - GDTX huyện định kỳ hàng năm thực hiện đánh giá kiểm định chất lượng GDNN để đạt chứng nhận kiểm định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và thường xuyên tiến hành kiểm định chất lượng chương trình đào tạo nghề.
9. Nâng cao năng lực tư vấn, hướng nghiệp, thông tin, tuyên truyền, dự báo nhu cầu đào tạo về giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm đáp ứng thị trường lao động: Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông xây dựng các chuyên mục, phóng sự, tài liệu để phổ biến, tuyên truyền về GDNN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức tọa đàm theo các chuyên đề liên quan đến lĩnh vực GDNN. Tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê, theo dõi, đánh giá, phân tích, dự báo nhu cầu thị trường lao động.
10. Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo mô hình liên kết cơ sở đào tạo với - doanh nghiệp: Xây dựng cơ chế, chính sách để tạo sự liên kết, phối hợp giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nghề. Khuyến khích đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động dạy nghề, đa dạng hóa loại hình đào tạo.
UBND huyện giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các ban, ngành, hội đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức người dân, xã hội; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp học nghề. Tham mưu triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ người học tham gia học nghề phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện và các chính sách của tỉnh, trung ương ban hành; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, cung cấp thông tin thị trường, tư vấn giải quyết việc làm cho lao động sau khi đào tạo góp phần thực hiện có hiệu quả giải quyết việc làm trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025. Tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo nghề từng năm để từng bước mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động GDNN trên địa bàn huyện và việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch đào tạo được giao.
Quang Dương