Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Tây Sơn tình trạng ly hôn ngày một gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Theo số liệu thống kê, năm 2020 Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn thụ lý 340 vụ ly hôn, năm 2021 là 352 vụ và 9 tháng đầu năm 2022 là 324 vụ. Vấn đề ly hôn xuất phát từ nhiều nguyên nhân: do điều kiện kinh tế gia đình, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh con sớm khiến vợ chồng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn; do tư tưởng lạc hậu, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội,… Theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Sơn tại Văn bản số 399/KN-VKS ngày 09/11/2022 về việc kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tình trạng ly hôn gia tăng trên địa bàn huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; các hội, đoàn thể huyện; các phòng, ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện các nội dung như sau:
1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò, giá trị, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Gia đình là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.
Nội dung tuyên truyền, PBGDPL về gia đình cần chú trọng: Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình; ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của gia đình, các cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ liên quan đến gia đình để bảo đảm, thúc đẩy việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về gia đình; các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc… Đa dạng và đổi mới hình thức tuyên truyền, PBGDPL về gia đình: Tùy theo đối tượng, địa bàn cụ thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đa dạng và thường xuyên đổi mới các hình thức tuyên truyền, PBGDPL về gia đình như: Tuyên truyền miệng (hội nghị, tọa đàm, giao lưu,…); tuyên truyền trực quan (khẩu hiệu, pano,…); thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, Cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở.
2. Đẩy mạnh Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Gia đình hiếu học”, Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,... Đồng thời, đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại. Biểu dương, nêu gương điển hình, tiêu biểu trong xây dựng gia đình hạnh phúc; kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình …
3. Nâng cao vai trò trách nhiệm chính quyền cơ sở và các tổ chức hội, đoàn thể trong công tác an sinh xã hội nhất là thường xuyên theo dõi, liên hệ, thăm hỏi và giúp đỡ đối với trẻ em trong các gia đình có cha mẹ ly hôn, các gia đình đã xảy ra mâu thuẫn, tạo điều kiện cho các em học tập, vui chơi, ổn định tâm sinh lý và phát triển toàn diện.
Duy trì và đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả; tăng cường tổ chức dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế để người dân có thu nhập ổn định, không phải bỏ địa phương tìm công việc.
4. Xây dựng, hoàn thiện hương ước, quy ước làng, thôn, khối phố theo quy định pháp luật, phát huy những giá trị văn minh, tiến bộ, những phong tục tập quán tốt đẹp; vận động các gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh, hương ước, quy ước nơi cư trú, quy chế dân chủ cơ sở; giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ, xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
5. Đẩy mạnh tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật. Đồng thời tăng cường công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội và tội phạm trên địa bàn huyện.
Quang Dương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn