Căn cứ Văn bản số 289/BC-SNN ngày 08/12/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định về việc báo cáo tổng kết kế hoạch giám sát dư lượng kháng sinh cấm, các chất độc hại và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022; Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 28/11/2022 của UBND huyện Tây Sơn về việc triển khai thực hiện Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn huyện Tây Sơn.
Chủ tịch UBND huyện đề nghị thủ trưởng các phòng, ban liên quan của huyện và chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai nhiệm vụ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2023, với một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Công tác chỉ đạo điều hành, triển khai chính sách pháp luật: Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường năng lực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tỉnh Bình Định giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2030”. Tập trung tiếp tục triển khai Quyết định số 90/QĐ-UBND ngày 17/01/2020 của Ủy ban nhân dân huyện về việc phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn huyện Tây Sơn; Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 28/11/2022 của UBND huyện Tây Sơn về triển khai thực hiện Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn huyện Tây Sơn”. Ban hành các văn bản chỉ đạo công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản có hiệu quả trong thời gian tới, trọng tâm là ban hành các văn bản chỉ đạo công tác bảo đảm ATTP nông lâm thủy sản Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023; tháng an toàn thực phẩm; kế hoạch kiểm tra, lấy mẫu giám sát trong năm, các văn bản về kế hoạch hoạt động theo chủ đề, chủ điểm.
2. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật
2.1. Thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản: Tổ chức triển khai các biện pháp thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm cho người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và cộng đồng. Thực hiện đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền; thông tin rộng rãi số điện thoại đường dây nóng và đầu mối tiếp nhận để xử lý các tố giác, phản ánh từ tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; nêu gương điển hình tiên tiến, nơi bày bán sản phẩm an toàn có xác nhận cơ quan chức năng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể kịp thời thông tin, tuyên truyền đầy đủ về ATTP nông lâm thủy sản; quảng bá các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, các điểm bán sản phẩm nông lâm thủy sản có xác nhận ATTP cho Nhân dân; các đơn vị liên quan, các xã, thị trấn và tổ chức hội, đoàn thể triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm. Phối hợp các ngành chức năng của tỉnh, hàng tháng cập nhật công khai và thông tin kịp thời kết quả phân loại A/B/C các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; công khai kết quả giám sát, kiểm tra xử lý vi phạm cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.
2.2. Tổ chức sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, ATTP; xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn: Phối hợp các ngành chức năng của tỉnh xây dựng, xác nhận và giám sát sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chú trọng các sản phẩm chủ lực của huyện; thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn; phối hợp triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành. Giới thiệu các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (đặc biệt là các sản phẩm được xác nhận an toàn theo chuỗi) tham gia các hội chợ hàng Nông sản an toàn thực phẩm nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản an toàn của địa phương theo yêu cầu của tỉnh. Phối hợp các ngành tiếp tục hỗ trợ thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuộc phạm vi quản lý (tem, nhãn nhận diện…). Phối hợp các ngành tập trung quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nước sinh hoạt nông thôn.
2.3. Thống kê bổ sung; kiểm tra, giám sát chất lượng VTNN, ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản; công tác ký cam kết, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ: Thực hiện tốt công tác rà soát, thống kê để bổ sung các cơ sở sản xuất kinh doanh; phân cấp, phân công cụ thể cho các ngành liên quan của huyện và UBND các xã, thị trấn quản lý các cơ sở theo Quyết định số 90/QĐ-UBND ngày 17/01/2020 của Ủy ban nhân dân huyện. Nâng cao công tác giám sát, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan ATTP nông lâm thủy sản (chú trọng các sản phẩm đặc trưng của huyện), các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp hoạt động. Chủ động và phối hợp các ngành chức năng của tỉnh tham gia giám sát dư lượng kháng sinh cấm và các chất độc hại trong sản phẩm nông lâm thủy sản để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo của tỉnh, ngành; tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, kiểm tra chuyên ngành, lấy mẫu giám sát; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở được phân công, phân cấp theo Quyết định số 90/QĐ-UBND ngày 17/01/2020 của Ủy ban nhân dân huyện, các ngành chức năng liên quan, UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được phân cấp, phân công; tập trung triển khai Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổ chức ký cam kết, kiểm tra các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, sơ chế nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
2.4. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn ATTP cho cán bộ: Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh liên quan lĩnh vực an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ các phòng, ban, đoàn thể của huyện có liên quan, lãnh đạo UBND và cán bộ phụ trách công tác ATTP, VTNN, nước sinh hoạt nông thôn của các xã, thị trấn. Cử cán bộ chuyên môn các ngành liên quan của huyện, cán bộ các xã, thị trấn trực tiếp phụ trách công tác ATTP nông lâm thủy sản tham gia tập huấn đầy đủ các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức. UBND các xã, thị trấn bố trí 01 cán bộ phụ trách công tác ATTP nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp.
Ủy ban nhân dân huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trì, phối hợp vơi UBND các xã, thị trấn, các phòng, ban tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu giám sát chuyên ngành, tiến hành tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tổng hợp, báo cáo UBND huyện và các ngành chức năng liên quan của tỉnh về việc tổ chức triển khai thực hiện của các địa phương, đơn vị về ATTP nông lâm thủy sản.
Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng, triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương mình; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý đúng theo mục đích, yêu cầu của Kế hoạch đề ra. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên tích cực phối hợp cùng với ngành Nông nghiệp và các cơ quan liên quan tổ chức tốt việc triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn