Mục tiêu chung: Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế của huyện và các địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành nông, lâm, thủy sản đạt 2,0 - 3,0%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 4 - 5%/năm. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân chung của huyện từ 1,5%/năm trở lên. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Toàn huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 55%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 6.000 ha.
Tầm nhìn đến năm 2050: Nền nông nghiệp huyện Tây Sơn phát triển hiện đại; 100% các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao; hoạt động sản xuất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ số trong quản lý và sản xuất; hình thành được những vùng trọng điểm về nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch. Việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản theo hướng gắn với thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới, kết hợp với thương mại truyền thống.
Định hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
1. Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và nhu cầu thị trường
Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản. Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, giữa các vùng và kết nối chuỗi giá trị cả nước.
Định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chính của huyện, như sau:
- Về trồng trọt: Đổi mới cơ cấu cây trồng theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp lâu năm trong cơ cấu giá trị sản xuất trồng trọt; tăng tỷ trọng cây công nghiệp ngắn ngày, cây rau, cây ăn quả đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế so sánh và nhu cầu lớn (lúa gạo chất lượng cao, lạc, rau các loại); đồng thời, có bước đi phù hợp để thúc đẩy phát triển các cây trồng mới có triển vọng như: cây dược liệu, cây cảnh, nấm ăn... Trong đó, tập trung phát triển nhóm cây trồng chủ lực cấp huyện và sản phẩm đặc thù của các địa phương, như:
+ Lúa: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa; trong đó, chú trọng phát triển diện tích lúa chất lượng cao. Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao, nhân rộng các quy trình canh tác lúa tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Phát triển mở rộng dự án cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) tại các vùng sản xuất tập trung ở các xã Tây Bình, Tây An, Tây Vinh, Bình Hòa...
+ Rau các loại: Phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại các địa phương: Tây Thuận, Bình Tường, Bình Tân, Tây An và thị trấn Phú Phong. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng đến xuất khẩu; phát triển mở rộng vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGap trên cơ sở tăng cường chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất tốt, hữu cơ để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
+ Lạc: Đẩy mạnh chuyển đổi đất sản xuất lúa, mía, sắn sang sản xuất lạc; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản. Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến lạc tại các xã có diện tích sản xuất tập trung: Bình Thuận, Bình Tân, Tây Giang, Bình Thành. Phát triển sản xuất lạc giống và xây dựng các vùng lạc chuyên canh để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ lạc.
+ Ngô: Ổn định diện tích trồng ngô hiện có; tập trung đầu tư thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng ngô cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của tỉnh; phát triển mô hình trồng ngô sinh khối, ngô ngọt theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
- Cây ăn quả: Tập trung phát triển các cây ăn quả có lợi thế của tỉnh như: bưởi, quýt, xoài, mít,... hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn và áp dụng các công nghệ cao, như: trồng theo hướng hữu cơ, VietGap, hệ thống tưới tự động hoặc bán tự động; đồng thời, chuyển đổi đất trồng rừng sản xuất thích hợp sang trồng cây ăn quả tại các địa phương: Tây Xuân, Tây Phú, Bình Tân, Bình Thuận, Bình Thành.
- Về chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi tập trung quy mô trang trại theo hướng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Phát triển giống bò thịt chất lượng cao, các giống gà hiện có, tăng tỷ lệ đàn lợn ngoại; đồng thời, phát triển vật nuôi bản địa, đặc sản có giá trị cao, như: lợn thảo dược, lợn đen, gà thả đồi. Xây dựng Khu chăn nuôi trang trại tập trung ở các xã: Tây Thuận, Tây Giang, Tây Xuân, Bình Tân. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, giết mổ gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm. Tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm chăn nuôi….Trong đó, tập trung phát triển 03 nhóm vật nuôi chính, chủ lực của huyện là bò, lợn, gà; cụ thể:
+ Bò: Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao gắn với phát huy nhãn hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”. Phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển các Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò gắn với liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ.
+ Lợn: Phát triển chăn nuôi lợn với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng đàn lợn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm lợn hơi.
+ Gà: Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học, gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm thịt, trứng có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thịt, trứng gia cầm, hướng tới xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà thả đồi, xây dựng thương hiệu gà đồi Bình Định.
- Về lâm nghiệp: Tập trung quản lý chặt chẽ, bảo vệ và sử dụng bền vững rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh tái sinh tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhất là những khu vực nhạy cảm về môi trường; phát triển du lịch sinh thái và kinh tế dưới tán rừng góp phần tăng thu nhập cho người dân; đồng thời, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển lâm sản ngoài gỗ, tập trung vào các nhóm sản phẩm có thế mạnh như: Dược liệu, thực phẩm; các dịch vụ môi trường rừng (bao gồm hình thành bể chứa các-bon từ rừng), du lịch sinh thái.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh đối với rừng trồng sản xuất; phát triển rừng trồng gỗ lớn đạt tiêu chuẩn đáp ứng cơ bản nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Hình thành các vùng sản xuất cây giống lâm nghiệp công nghệ cao.
2. Tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững
- Hoàn thiện công tác nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu; bảo tồn và phát triển giống bản địa. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất giống theo hướng hiện đại; tăng cường công tác quản lý giống, đảm bảo tỷ lệ sử dụng giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; trong đó: Lĩnh vực trồng trọt: Phát triển sản xuất giống lúa, giống lạc; lĩnh vực chăn nuôi: Phát triển các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống gia cầm, giống lợn; lĩnh vực lâm nghiệp: Phát triển sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao.
- Hình thành khu sản xuất giống tập trung chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, như: Khu sản xuất giống lúa (Bình Hòa, Tây Vinh, Tây An), khu sản xuất giống lạc (Bình Tân, Bình Thuận); Khu sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao (Tây Xuân, Bình Thành, Bình Tân); Giống chăn nuôi: Khu sản xuất giống gia cầm chất lượng cao (Tây Giang, Tây Thuận, Bình Tân).
- Xây dựng các vùng sản xuất tập trung tạo ra các vùng nguyên liệu quy mô lớn gắn với thị trường và phát triển công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí và nâng cao giá trị nông sản, như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống, lạc, ngô, rau, cây ăn quả.
- Tăng tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị, tập trung cho sản xuất các sản phẩm chủ lực của huyện. Phát triển các hình thức tổ chức kinh doanh dịch vụ cơ giới nông nghiệp. Hỗ trợ nông dân đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích phát triển các Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao để tạo động lực phát triển nông nghiệp hiện đại.
3. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến
- Hình thành và phát triển các hợp tác xã chuyên ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên cơ sở các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực, nhằm giảm dần các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến hoặc thương mại lớn để hình thành các chuỗi giá trị; lấy chuỗi giá trị của các nông sản để kết nối các vùng chuyên canh nhỏ, hình thành không gian sản xuất kinh tế chung giữa các vùng, địa phương.
- Nghiên cứu thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, phù hợp với điều kiện, đặc thù của huyện, như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm,...), nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ kinh doanh nông sản...), như: Xây dựng vùng sản xuất nông sản hữu cơ, nông sản sạch, tập trung vào các sản phẩm rau, lúa và cây ăn trái hữu cơ; hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái ở các địa phương .
- Hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng phát triển các mô hình, dự án liên kết trồng rừng cây gỗ lớn hiệu quả tạo mối liên kết bền vững giữa người trồng rừng với các Doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.
4. Phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn
Cùng với phát triển nông nghiệp, chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập:
- Đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn, thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động để chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn ngay tại địa phương; rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch làng nghề trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế từng địa phương; có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các làng nghề tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại kết hợp với kỹ thuật thủ công truyền thống; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của làng nghề.
- Phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn, đa dạng hóa các loại hình, quy mô... để tạo việc làm, thu hút lực lượng lao động không tham gia sản xuất nông nghiệp; hình thành một nền kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn, như: cung cấp giống cây trồng, vật tư phân bón, nước sinh hoạt, thú y, tiêu thụ nông sản, tín dụng, y tế ...
- Từng bước làm thay đổi về trình độ, tư duy, nhận thức của người làm nông nghiệp, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, trang trại và kinh tế hợp tác. Hỗ trợ để nông dân tại các vùng chuyên canh tham gia các chương trình đào tạo có chứng chỉ để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu mới của thị trường.
5. Xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống
- Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông thôn đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị. Tập trung xây dựng hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, hạ tầng công nghệ thông tin; khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung theo hình thức xã hội hóa, khuyến khích tối đa đầu tư tư nhân, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư gắn với nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
- Đổi mới nội dung hoạt động, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với trình độ phát triển, văn hóa và điều kiện cụ thể của vùng , đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tạo lập môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; an ninh trật tự được giữ vững.
6. Phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghào đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các xã nghèo nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Trong đó, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn huyện; Chương trình mục tiêu guốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn huyện.
7. Xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp
Phát huy sáng tạo trong các hoạt động đời sống, phát triển kinh tế, phát triển du lịch nông thôn. Hỗ trợ và phát huy vai trò của cộng đồng và người dân trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương. Tiếp tục phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” giai đoạn 2021 - 2026 đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực; gắn kết và phát huy vai trò của Phong trào với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới; Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
8. Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu
- Phát triển cảnh quan nông thôn trên cơ sở phát huy lợi thế từng địa phương, đảm bảo xanh, sạch, đẹp, thân thiện và hài hòa với thiên nhiên. Quy hoạch không gian hợp lý để các ngành sản xuất có tác động nhiều đến môi trường như: chăn nuôi, chế biến nông sản, giết mổ, xử lý chất thải... cách xa các khu đô thị, vùng dân cư đông dân. Tập trung trồng lại rừng phòng hộ và đặc dụng, tại các lưu vực hồ chứa để bảo vệ chặt chẽ những vùng nhạy cảm về sinh thái, môi trường.
- Đẩy mạnh chế biến sâu, tận dụng phụ phẩm nông sản để chủ động xử lý ô nhiễm ngay tại nguồn; áp dụng kỹ thuật thông minh, kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm đầu vào, phát triển mạnh tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo kết hợp nông nghiệp để giảm lượng nguyên liệu hóa thạch, giảm phát thải cacbon.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, không thoái hóa, không làm tổn hại đến đa dạng sinh học. Mở rộng việc áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thực hiện phổ cập quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến nông sản.
Ủy ban nhân dân huyện đề ra 9 giải pháp thực hiện: Tuyên truyền, phổ biến đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động. Đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển thị trường đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro. Triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách đột phá./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn