Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, Hội nghị được tổ chức để đánh giá thực trạng công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh. Hội nghị cũng nhìn nhận những kết quả đạt được, phân tích, đánh giá cụ thể, chi tiết những tồn tại, hạn chế thời gian qua, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua và nâng cao chất lượng công tác quản lý trong thời gian đến. Đây cũng là dịp để tỉnh tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm trật tự đô thị, trật tự xây dựng; lấn, chiếm đất đai xây dựng trái phép trên địa bàn; nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị tại hội nghị này: “Chúng ta nhìn thật nhìn thẳng vào vấn đề, những vấn đề làm được, những vấn đề bức xúc hiện nay, những tồn tại cũng trao đổi thẳng sự thật, để từ đó các địa phương nhìn vào, các đồng chí lãnh đạo đảng cũng có định hướng chỉ đạo, lãnh đạo chính quyền thực thi để đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, và từ đó hạn chế được các vấn đề lấn chiếm vi phạm quy định pháp luật về đất đai, xây dựng; đồng thời đảm bảo tuân thủ pháp luật chung của tỉnh, giúp cho tỉnh ổn định về mọi mặt”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng trình bày báo cáo tại hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp, ý thức trách nhiệm của người dân và các tổ chức đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: tình trạng xây dựng các công trình không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm, xây dựng công trình không đúng mục đích sử dụng đất vẫn còn xảy ra ở một số địa phương; một số công trình vi phạm chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm kịp thời, dứt điểm.
Tính đến ngày 31/3/2023, trên địa bàn tỉnh phát hiện 14.257 trường hợp lấn, chiếm đất đai, trong đó đã xử lý 6.945 trường hợp (chưa tới 50%), còn 7.313 trường hợp chưa xử lý. Địa phương xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai nhiều nhất là thành phố Quy Nhơn với 5.074 trường hợp, đã xử lý 2.712 trường hợp, còn 2.362 trường hợp. Trong 3 năm, từ 2020-2022, toàn tỉnh có 423 trường hợp xây dựng các công trình không phép, sai phép. Cũng trong thời gian này, các địa phương phát hiện 1.893 công trình xây dựng lấn, chiếm đất đai, xây dựng trên đất không được phép xây dựng, đã cưỡng chế, tháo dỡ 1.069 trường hợp, còn 159 trường hợp chưa xử lý.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Tùng báo cáo kết quả xử lý lấn, chiếm đất đai và Kế hoạch thực hiện đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh
Về giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm trật tự đô thị, trật tự xây dựng; lấn, chiếm đất đai xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tỉnh Bình Định tiếp tục tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân liên quan để thực hiện tốt các quy định trong công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai. Xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung ra quân xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm trên lĩnh vực quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai. Xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, thực hiện nghiêm minh, kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không được dung túng, bao che cho bất kỳ trường hợp nào. Phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa, xử lý ngay khi phát hiện vi phạm; gắn trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn báo cáo công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; quản lý xây dựng, lấn, chiếm đất đai trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã thảo luận, đưa ra các nguyên nhân xảy ra sai phạm lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho rằng: Hiện nay, công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự đô thị còn nhiều vướng mắc. Một trong những nguyên nhân cơ bản hiện nay có nhiều vụ kiện tụng kéo dài của người dân cả nước, trong đó tỉnh ta cũng có một số vụ việc đều xuất phát từ vấn đề lấn chiếm đất đai, vấn đề quản lý không nghiêm của chính quyền, lằng nhằng qua các thời kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Nhắc lại vụ việc lấn chiếm đất sau khi làm xong một đoạn đường ven biển, ở huyện Phù Mỹ có đến mấy chục nhà tạm mọc lên rồi. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải cương quyết xử lý và phải rất quyết tâm về vấn đề này.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn: Xác định công tác quản lý trật tự xây dựng, chống lấn chiếm đất đai là nhiệm vụ của chính quyền, bắt đầu từ chính quyền xã. Nên, dù có ít người đi chăng nữa thì vẫn phải làm. Ông Tuấn cũng nhận định cán bộ xã là “siêu nhân” rồi nhưng nếu biết cách làm thì chúng ta vẫn làm được. Kể cả việc xử lý ở dưới cũng sai, cứ thấy xây dựng là xử lý lập biên bản, rồi lập đội đi cưỡng chế, điều đó là không đúng. Ông cho rằng, nếu xây dựng trên đất nhà mà sai thì chúng ta mới làm vậy; còn xây trên đất lấn chiếm thì ngay lập tức ra quyết định xử lý luôn.
Thứ hai, các địa phương tập trung kiên quyết xử lý các vi phạm hiện nay. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tổng rà soát lại tất cả các trường hợp, giải quyết căn cơ trường hợp nào quy định pháp luật theo Luật đất đai trước năm 1993, 2014 thì giải quyết theo đúng quy định; trường hợp nào vi phạm sau năm 2014 rà soát lại để xử lý các tình huống cụ thể. Khi giải quyết phải có tình có lý, vẫn phải tính đến yếu tố nhân văn, yếu tố thực cảnh của từng địa phương, từng trường hợp cụ thể. Trường hợp nào vướng thì địa phương báo cáo cho tỉnh xem xét, giải quyết. Và quan điểm khi xử lý vi phạm là phải công bằng, công tâm, không có vùng cấm, không có nhẹ người này, nặng người kia, nhất là cán bộ và người thân phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện.
Thứ ba, là phân công trách nhiệm rõ ràng, địa phương phải thực thi; sở, ngành kiểm tra, giám sát và hướng dẫn.
Thứ tư, nhìn vào con người, bộ máy, trách nhiệm vận hành. Về con người, bắt buộc phải hiểu nghiệp vụ; Bộ máy vận hành phải mạnh, xử lý rất nghiêm. Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng làm rõ quy trình xử lý khi vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo để triển khai, trong đó tập trung vào công tác chống lấn chiếm đất đai, với quan điểm “phòng ngừa là chính”, xử lý cái cũ và không để xảy ra cái mới.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tập trung vào công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung công tác quản lý đất đai, chống lấn chiếm đất đai. Lưu ý phải có chính sách về nhà ở cho người dân, hằng năm xã, huyện phải chủ động quy hoạch khu dân cư mới, hoặc định hướng cho phép chuyển đổi đất ở.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị 2 Sở tập trung công tác kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung chỉ đạo dứt điểm các vụ vi phạm và kiên quyết không để xảy ra vi phạm mới. Để xảy ra vi phạm mới thì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Các sở tiếp tục đào tạo, hướng dẫn cán bộ địa phương, trường hợp nào cần đào tạo lại thì các huyện, thị xã, thành phố báo cáo để tỉnh đào tạo thêm. Đồng thời các sở ngành tập trung hướng dẫn địa phương xây dựng quy trình xử lý và tổ chức bộ máy cho địa phương thành một hệ thống bộ máy chặt chẽ từ dưới lên.
Riêng về kiến nghị của TP Quy Nhơn, Chủ tịch nhấn mạnh: UBND thành phố Quy Nhơn chủ động quy hoạch lại vỉa hè, đảm bảo được hành lang giao thông cho người đi bộ. Các địa phương khác cũng vậy, nhưng phải có quan điểm quy hoạch rõ ràng, thống nhất và trình cấp có thẩm quyền.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Phải xác định quỹ đất địa phương để có cho nhu cầu phát sinh của người dân, kiên quyết không được để xảy ra vi phạm mới. Về chính quyền xã, phải làm việc này hằng ngày, phát hiện ngay và giải quyết ngay, xác định phòng ngừa là chính. Công tác tuyên truyền cho người dân, đặc biệt cách xử lý phải gương mẫu công tâm, và công bằng, tránh tình trạng lợi ích cá nhân, gia đình ở đó, thì chúng ta mới giải quyết được căn cơ và không phát sinh tình huống mới. Giải quyết có tình có lý và đứng về phía dân, đừng để người dân bị thiệt.
Tác giả: Trang Lê
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn